“Chất thải trong chăn nuôi và biện pháp xử lý” - Hội Làm vườn Việt Nam

“Chất thải trong chăn nuôi và biện pháp xử lý”

 Trong khoảng gần chục năm trở lại đây, chăn nuôi nước ta có những bước phát triển mạnh cả về quy mô đầu con, năng suất và tổng sản lượng. Chăn nuôi có mức tăng bình quân khoảng 4%/năm và đóng góp 25-28% GDP của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, chăn nuôi cũng đang đặt ra nhiều bức xúc về ô nhiễm môi trường nông thôn. Bài viết “Chất thải trong chăn nuôi và biện pháp xử lý” do TS. Phùng Quốc Quảng -HLV VN sưu tầm và tổng hợp, bài viết được chia thành 8 phần, xin giới thiệu với bạn đọc.                                                                                                    Ban Biên tập

 

  Phần 1

 CHĂN NUÔI VÀ VẤN ĐỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Trong những năm, qua ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh và đạt kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm trong nước ngày càng cao của xã hội. Ngành chăn nuôi nước ta đang có những dịch chuyển nhanh chóng từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp; từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên chăn nuôi quy mô lớn.

Đảng và Chính phủ quan tâm tới ngành chăn nuôi để cùng với ngành trồng trọt, thủy sản đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm thông qua những chủ trương, chính sách nhằm định hướng và tạo ra những cơ chế khuyến khích để ngành chăn nuôi phát triển nhanh, mạnh và vững chắc. Tuy nhiên, mặt chưa được của chăn nuôi đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cộng đồng khoa học trong và ngoài nước đã chỉ rõ gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong nông nghiệp ở Việt Nan là từ trồng trọt và chăn nuôi. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), chất thải của gia súc toàn cầu tạo ra 65% lượng nitơ oxit (N2O) trong khí quyển. Đây là loại khí có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời cao gấp 296 lần so với khí CO2. Cùng với các loại khí khác như CO2, CH4 ,… gây nên hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên.

Chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường không những do các chất thải của chính vật nuôi mà còn do cả quá trình sản xuất chăn nuôi tạo nên. Theo số liệu của Tổng cục thống kê (01/10/2015) đàn trâu nước ta là 2,523 triệu con, đàn bò 5, 367 triệu con, đàn lợn  27,751 triệu con và  đàn gia cầm khoảng 341,906 triệu con. Đàn gia súc, gia cầm được nuôi chủ yếu trong các nông hộ (chiếm tỷ trọng khoảng 65-70% về số lượng và sản lượng). Từ số đầu gia súc, gia cầm đó có thể ước tính được lượng chất thải rắn (phân, chất độn chuồng và các loại thức ăn thừa hoặc rơi vãi) mà đàn gia súc, gia cầm thải ra hàng năm là khoảng trên 76 triệu tấn. Ngoài ra có khoảng trên 30 triệu khối chất thải lỏng (bao gồm nước tiểu, nước rửa chuồng, nước từ sân chơi, bãi vận động, bãi chăn) được thải ra môi trường. Phân của vật nuôi chứa nhiều nitơ, phốtpho, kẽm, đồng, chì, asen, niken (kim loại nặng)… và các vi sinh vật gây hại khác không những gây ô nhiễm không khí mà còn làm ô nhiễm đất, nước mặt và cả nguồn nước ngầm.

 Lượng chất thải hàng ngày của vật nuôi và người

(Theo Cục Chăn nuôi – 2011)

 

 

Đối tượng

Lượng chất thải theo % khối lượng cơ thể

Lượng phân tươi (kg/ngày)

Phân

Nước tiểu

5

4-5

15-20

Trâu

5

4-5

18-25

Lợn

2

3

1,2-4,0

Dê/Cừu

3

1-1,5

0,9-3,0

4,5

 

0,02-0,05

Người

1

2

0,18-0,34

 

Hiện nay, theo các khảo sát, khoảng 50% lượng chất thải rắn (38 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20-24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2. Các nhà nghiên cứu đã ước tính được rằng chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên (biến đổi khí hậu toàn cầu), lớn hơn cả phần do giao thông vận tải gây ra.

 

Quá trình sinh sống của gia súc, gia cầm, ngoài thải ra phân và nước tiểu  như nói trên chúng còn bài thải các loại khí hình thành từ quá trình trao đổi chất, quá trình hô hấp của vật nuôi. Chúng cũng có thể thải ra các loại mầm bệnh, ký sinh trùng, các vi sinh vật…. có thể gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái như: E. Coli, Salmonella, Streptococcus fecalis, Enterobacteriae, …

 

Hiện trên toàn quốc có 203 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất ra gần 14,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm. Quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi từ các nhà máy này thải ra môi trường lượng rất lớn chất khí gây hiệu ứng khí nhà kính và các chất thải khác gây ô nhiễm môi trường.

 

  Ngoài ra, quá trình giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật, quá trình sản xuất thuốc thú y, chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật, xử lý các ổ dịch và xử lý xác động vật bị dịch bệnh…. cũng có thể gây ra ô nhiễm môi trường.

 

Tóm lại, phát triển chăn nuôi mà không quản lý môi trường hiệu quả có thể tạo ra những rủi ro cho môi trường sinh thái và là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên. Trong điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, phát triển chăn nuôi vẫn là sinh kế quan trọng của nhiều triệu nông dân, cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho con người, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho hầu hết người lao động. Nhưng nếu các chất thải chăn nuôi đặc biệt là phân chuồng không được xử lý hiệu quả sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khoẻ của cộng đồng dân cư trước mắt cũng như lâu dài. Như vậy, vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái.

                                                                                           TS. Phùng Quốc Quảng -HLV VN

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 24
  • Lượt xem theo ngày: 83
  • Tổng truy cập: 3855684