HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CÙNG THAM GIA (PGS) TRONG NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ Ở VIỆT NAM - Hội Làm vườn Việt Nam

HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CÙNG THAM GIA (PGS) TRONG NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ Ở VIỆT NAM

BBT: Bộ tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến 10TCN 602-2006 đã được Bộ Nông nghiệp ban hành vào tháng 12/2006, nhưng các thông tư, quy định hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn này chưa được ban hành kịp thời nên ở Việt Nam vẫn chưa có hệ thống chứng nhận nào cho sản xuất và chế biến nông sản hữu cơ cho thị trường nội địa. Tháng 10/2008, trong dự án “Phát triển khung thị trường và sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam” (2005-2012) do Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) thực hiện, Tổ chức Phát triển nông nghiệp Châu Á-Đan Mạch (ADDA) đã giới thiệu hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) và được các bên liên quan đồng thuận chấp nhận thực hiện áp dụng hệ thống PGS làm hệ thống giám sát và đảm bảo cho sản phẩm hữu cơ giúp nông dân đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường địa phương và tạo cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm hữu cơ thực sự chất lượng. Vậy PGS là gì?

 

1. Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) là gì?

PGS được phát triển từ năm 2004 do IFOAM bảo trợ. PGS là một sáng kiến đảm bảo chất lượng nội bộ được lấy tên tắt là PGS từ cụm từ tiếng Anh “Participatory Guarantee System”.  Theo Liên Đoàn các phong trào Nông Nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) năm 2008, PGS là một hệ thống ở đó có sự tham gia của các bên liên quan vào đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương. Người sản xuất được xác nhận sự tuân thủ dựa vào sự tham gia tích cực của các bên liên quan bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng trong hệ thống.

Nhiều nước trên thế giới như Brazil, các quốc gia khác thuộc Mỹ La Tinh, Mỹ, Ấn độ, New Zealand, Nam phi và Châu Âu Đông phi, Úc và Châu Á ủng hộ PGS vì thấy hệ thống này có thể tạo ra cơ chế đảm bảo tin cậy, phù hợp và chi phí hiệu quả mà ở đó người sản xuất có thể đảm bảo sản phẩm hữu cơ của họ tới người tiêu dùng.

Để đảm bảo một PGS được hình thành và duy trì bền vững, PGS cần được xây dựng đáp ứng đầy đủ các yếu tố cơ bản được tóm tắt như sau:

    A2

  2. Cấu trúc và chức năng của một PGS như thế nào?

Trong PGS không có cấp trên, cấp dưới. Mỗi đơn vị đều được xác định rõ vai trò và nhiệm vụ riêng, được trao quyền và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hoạt động và các quyết định của mình. Giám sát chéo giữa các thành viên và các đơn vị trong hệ thống là đặc tính quan trọng của PGS.

  A1

  

Tùy thuộc vào điều kiện địa lý, văn hóa mà các PGS được tổ chức khác nhau. Hệ thống trong PGS bao gồm cơ cấu tổ chức, con người, các mẫu biểu, cơ sở dữ liệu, các quy định, công cụ xác minh và phương pháp xử lý vv… các phần tử này tương tác với nhau và cùng hoạt động để hướng tới mục đích chung.

  2.1.Hộ nông dân: Để tham gia vào nhóm sản xuất, nông dân phải liên hệ với người lãnh đạo nhóm sản xuất trong khu vực của họ. Vai trò và nhiệm vụ chính của nông dân và các thành viên trong gia đình gồm: Học các nguyên tắc và phương pháp làm canh tác hữu cơ; Tham gia một cách tích cực vào tất cả các hoạt động bao gồm các cuộc họp nhóm, các hoạt động tập huấn, thanh tra, v…v; Học về các tiêu chuẩn PGS; Điền vào Kế hoạch quản lí trang trại và cập nhật nó thường xuyên; Làm cam kết và nghiêm ngặt tuân thủ theo cam kết; Cung cấp các sản phẩm và đảm bảo chất lượng của chúng; Khuyến khích và giúp đỡ các nông dân khác tham gia PGS.

 2.2.Nhóm sản xuất: Một nhóm sản xuất bao gồm ít nhất 5 hộ nông dân sống ở gần nhau. Cùng nhau xây dựng và thống nhất quy chế hoạt động.

Nhiệm vụ, vai trò của nhóm sản xuất: Đáp ứng các hoạt động hỗ trợ cho các thành viên       ( ví dụ: trong việc sản xuất hoặc quản lí sổ sách); Thu thập các bản cam kết của thành viên và đảm bảo rằng các thành viên hiểu rõ về các tiêu chuẩn của PGS; Lập kế hoạch sản xuất của nhóm và tuyên truyền các sản phẩm của nhóm; Tiến hành kiểm tra chéo định kỳ (kiểm tra của thanh tra ) cho tất cả các thành viên nhóm; Thúc đẩy các thành viên trong nhóm đạt được mục đích và mục tiêu của nhóm; Đảm bảo tính công bằng và tránh xung đột quyền lợi giữa các thành viên.

Cơ cấu tổ chức của nhóm sẽ tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nhóm; Số thành viên trong mỗi nhóm chức năng nhiều hay ít do nhóm tự quyết định; Một nhóm có thể có Nhóm trưởng, Nhóm phó, Thủ quỹ của nhóm; các bộ phận chức năng chịu trách nhiệm các hoạt động khác nhau như bộ phận sản xuất, lập kế hoạch, giám sát hoạt động, marketing...; Nhóm lựa chọn ra Thanh tra viên phục vụ cho cấp giấy chứng nhận.

 

2.3. Liên nhóm hoặc HTX. Một liên nhóm bao gồm ít nhất 3 nhóm sản xuất ở một khu vực nhất định. Các thành viên bao gồm trưởng của tất cả các nhóm sản xuất cũng như các thành viên từ bên ngoài như người tiêu dùng, thương lái, chính quyền, đoàn thể, cơ quan chuyên môn  địa phương, giảng viên nông dân hoặc các tổ chức phi chính phủ, đang làm việc trong khu vực của liên nhóm. Liên nhóm cùng nhau xây dựng và thống nhất quy chế hoạt động

Nhiệm vụ và vai trò của liên nhóm là: Làm việc như một điểm liên lạc của sản xuất và PGS; Điều phối tiến trình hoàn thành bản kế hoạch quản lí nông hộ và bản cam kết của nông dân, đảm bảo rằng các thành viên hiểu rõ về tiêu chuẩn PGS; Lưu giữ hệ thống dữ liệu và cập nhật hàng năm tình trạng sản xuất cũng như những hoạt động sản xuất của các thành viên; Điều phối tiến trình kiểm tra chéo; Kiểm tra sổ sách của tiến trình kiểm tra chéo của mỗi nhóm sản xuất; Xem xét các tài liệu kiểm tra chéo của các nhóm và đôn đốc các hoạt động khi cần; Ra quyết định chứng nhận; Có các xử lý khi có gian lận hoặc sai phạm; Điều phối kế hoạch sản xuất cho tất cả các nhóm trong liên nhóm và quảng bá các sản phẩm của liên nhóm; Thúc đẩy các thành viên liên nhóm đạt được các mục tiêu, mục đích của liên nhóm; Đảm bảo không có xung đột quyền lợi giữa các thành viên; Hàng năm báo cáo tới nhóm điều phối PGS theo đúng quy định.

Ban điều hành liên nhóm: Số thành viên của Ban điều hành liên nhóm tùy thuộc vào chức năng hoạt động của liên nhóm, có thể bao gồm: Trưởng ban, phó ban, thư ký, kế toán...; Các bộ phận chức năng. Phụ trách từng mảng công việc cụ thể, điều phối và hỗ trợ các nhóm sản xuất bao gồm: Bộ phận Maketing và tiêu thụ sản phẩm: Trợ giúp tiếp thị và bán hàng cho các nhóm; Bộ phận kế hoach và kỹ thuật: trợ giúp về lập kế hoạch và kỹ thuật sản xuất hữu cơ; Bộ phận cấp chứng nhận (Hội đồng chứng nhận; Người quản lí việc cấp chứng nhận (Quản lý chứng nhận) và các Thanh tra viên

 2.4.Ban điều phối PGS. Ban điều phối PGS chịu trách nhiệm những vấn đề lớn phổ biến trong các liên nhóm nói chung.  Các thành viên của nhóm điều phối là các tình nguyện viên có năng lực kĩ thuật được chọn tại các cuộc họp thường niên của PGS. Ban điều phối PGS cùng nhau xây dựng và thống nhất quy chế hoạt động

Vai trò và trách nhiệm của Ban điều phối bao gồm: Đảm bảo tính liêm chính của hệ thống PGS và quảng bá hệ thống PGS; Bảo vệ quyền lợi của các HTX/ Liên nhóm, nông dân và PGS; Duy trì và cập nhật các tiêu chuẩn hữu cơ PGS và phê chuẩn hướng dẫn vật tư đầu  vào trong sản xuất để áp dụng trong thanh tra và trừng phạt; Tiếp nhận các đơn đăng kí từ các nhóm sản xuất mới và phân bổ tới Liên nhóm thích hợp; Hỗ trợ các nhóm sản xuất và các Liên nhóm/HTX cải tiến các thủ tục và hệ thống; Điều phối việc lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên thuốc sâu tại trang trại hoặc cửa hàng; Tiếp nhận các thông tin/ báo cáo từ Liên nhóm?HTX; Cấp giấy chứng nhận ; Quảng bá nhãn hiệu hữu cơ PGS; Chịu trách nhiệm quản lí nhãn hiệu riêng của PGS (tên thương mại); Báo cáo tới các cấp cao hơn và các nhóm địa phương; Quảng bá và liên hệ với các cơ quan thông tin đại chúng.

Cơ cấu tổ chức: Trưởng ban điều phối; Kế toán kiêm thư ký; Các nhóm chuyên môn, nghiệp vụ: Nhóm thường trực; Hỗ trợ kỹ thuật; Nhóm tiêu chuẩn; Giám sát thị trường

3. Đảm bảo chất lượng thế nào?

Một hệ thống do PGS điều khiển sẽ vận hành suốt chuỗi giá trị của sản phẩm để quản lí tính liêm chính ở tất cả các khâu từ sản xuất, sơ chế đóng gói, phân phối và bán hàng. Nói một cách khác, PGS là hệ thống chứng nhận cộng đồng. Cũng giống như hệ thống chứng nhận của bên thứ 3, phương pháp thanh tra, các thủ tục và hệ thống quản lý trong PGS được văn bản hóa, cập nhật và cải tiến cho phù hợp qua các bài học kinh nghiệm trong khi tổ chức thực hiện các hoạt động.  Chất lượng được đảm bảo qua: Hệ thống các tài liệu để kiểm tra và so sánh. Thanh tra và giám sát sản xuất; Giám sát sau thu hoạch, Giám sát thị trường.

3.1.Những tài liệu văn bản: Tiêu chuẩn hữu cơ (bản đầy đủ và tóm tắt ): Là công cụ đánh giá sự tuân thủ; Cơ sở dữ liệu gồm danh sách thành viên, tình trạng chứng nhận, các sản phẩm, chi tiết lịch sử từng nông hộ, cây trồng, quy mô sản xuất, kích thước đồng ruộng, kế hoạch quản lý hoặc hồ sơ của từng hộ sản xuất: Để làm cơ sở đánh giá hoạt động sản xuất; Tài liệu vận hành PGS - Ứng dụng, tổ chức và vận hành PGS ( Các bước xây dựng nhãn hiệu và sử dụng nhãn hiệu): Để làm cơ sở đánh giá sự quản lý; Các mức xử phạt vi phạm; vai trò và trách nhiệm của những thành phần chính, Danh mục kiểm tra chéo             ( thanh tra nông hộ); Tài liêu hướng dẫn kỹ thuật

3.2. Thanh tra và giám sát sản xuất. Thay vì thanh tra độc lập từ bên ngoài vào đánh giá tính tuân thủ với hệ thống chứng nhận của bên thứ ba, điểm khác biệt trong PGS là các thanh tra viên là những nông dân tham gia trong hệ thống đã được đào tạo nghiệp vụ thanh tra, họ tiến hành giám sát thường ngày trong nhóm của mình và thực hiên thanh tra chéo theo sự phân công. Các thanh tra viên phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra và liên nhóm phải chịu trách nhiệm về các quyết định dựa trên báo cáo kết quả thanh tra đó. Ở những năm đầu tiên, kỹ năng thanh tra có những hạn chế nhất định và vì thế trong quá trình thanh tra các thanh tra viên cảm thấy không thoải mái. Do đó cần có:

  • Thủ tục và tiến trình thanh tra được mô tả cụ thể
  • Phát triển những tài liệu hỗ trợ rõ ràng và đơn giản
  • Các thanh tra viên được đào tạo kiến thức và kỹ năng thanh tra
  • Có sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời từ ban điều phối

Các cuộc thanh tra định kỳ và việc kiểm tra không báo trước vào thời điểm khi mà các loại cây trồng vẫn đang ở trên ruộng, chọn khoảng thời gian dễ có nguy cơ xảy ra những vấn đề sai phạm cùng với việc lấy mẫu ngẫu nhiên sẽ được tiến hành bởi tổ chức địa phương. Việc ra quyết định chứng nhận và xử lý các vi phạm sẽ được tổ chức địa phương thực hiện. Nhóm điều phối sẽ ban hành chứng nhận trên cơ sở kết quả thanh tra của tổ chức địa phương.

Tất cả các nhóm nông dân đều có thể được cấp chứng nhận khi đáp ứng đủ các điều kiện của PGS. Sau khi được cấp chứng nhận, các sản phẩm được phép bán là hữu cơ PGS, được đóng gói, ghi nhãn theo quy định và dán nhãn hiệu PGS để giúp người mua phân biệt với các sản phẩm khác. Liên nhóm cũng như người sản xuất tại các nhóm nông dân sẽ phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về chất lượng hữu cơ của sản phẩm mà họ sản xuất ra. Liên nhóm chịu trách nhiệm giám sát chất lượng sản xuất thường ngày của các nhóm trực thuộc. Đây là điểm mấu chốt để đảm bảo sản phẩm được sản xuất tuân thủ nguyên vẹn tiêu chuẩn hữu cơ. Một thành viên trong nhóm sản xuất có vi phạm đồng nghĩa với việc cả nhóm cùng bị xử lý vi phạm. Mức độ xử sẽ được tham chiếu theo bảng mục các Mức trừng phạt của PGS                   

 

 h1 pgs

 

 Sơ đồ hệ thống giám sát trong PGS Việt Nam

Mỗi năm, các khu vực sản xuất của nông dân sẽ được thanh tra định kỳ 2 lần có báo trước: Đó là thanh tra cấp mới chứng nhận và  thanh tra duy trì chứng nhận sau 6 tháng. Sự tham gia của các bên liên quan trong tiến trình giám sát và thanh tra của cán bộ công ty thu mua, Hội nông dân, trạm BVTV địa phương vv…. sẽ làm cho công tác thanh tra công khai và khách quan hơn. Ra quyết định chứng nhận và xử lý các vi phạm sẽ được Liên nhóm thực hiện. Nhóm điều phối sẽ ban hành chứng nhận trên cơ sở quyết định và kết quả thanh tra của Liên nhóm gửi tới sau khi hoàn thành thanh tra

3.3. Giám sát sau thu hoạch. PGS là hệ thống giám sát và đảm bảo chất lượng dọc theo chuỗi giá trị của sản phẩm, vì thế để đảm bảo tính nguyên vẹn hữu cơ, các sản phẩm sau thu hoạch phải được vận hành xử lý tuân thủ theo tiêu chuẩn PGS và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nước ban hành.  Công tác giám sát sau thu hoạch sẽ được các thành viên trong nhóm sản xuất phân công và thực hiện cùng với các nhân viên của công ty thu mua. Các sản phẩm được chứng nhận PGS đều phải đảm bảo được truy nguyên dễ dàng tới nhóm và người sản xuất khi cần thiết

Giám sát nhà đóng gói và các trang thiết bị. Thường ở mỗi địa điểm sản xuất của các nhóm đều thiết lập một nơi sơ chế đóng gói. Vị trí của nhà cơ sở đóng gói thường gần khu sản xuất, sạch sẽ, thoáng mát, không bị úng ngập và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Cần phải đảm bảo:      

  • Các thiết bị và dụng cụ dùng để phân loại, chọn lọc và cắt tỉa là những vật liệu không độc, phù hợp với loại sản phẩm và phải được vệ sinh, khử trùng thường xuyên và cất giữ ở nơi sạch sẽ không bị nhiễm bẩn
  • Các thùng, sọt đựng phải được chế tạo từ vật liệu không độc. được bảo dưỡng, vệ sinh, và lưu giữ tại khu vực riêng biệt, cách ly với dụng cụ lao động
  • Nguồn nước sử dụng cho nhà sơ chế cần đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo các quy định hiện hành của Việt nam. Không được sử dụng nước ao, hồ, sông, suối, trừ khi đã được xử lý đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nước đã quy định. Không sử dụng hóa chất độc hại để lau chùi và tẩy rửa. Có thể dùng xà phòng nước tảy Javen để làm vệ sinh và được cất giữ ở nơi phù hợp cách biệt với sản phẩm rau tươi

Hệ thống truy nguyên

  • Hệ thống truy nguyên giúp quản lý chuỗi rau hữu cơ và thông tin tới người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc rau quả cung cấp trên thị trường. Hệ thống này được áp dụng dựa trên mã nhóm nông dân in trên bao bì và tài liệu ghi chép từ kho đóng gói tới các địa điểm bán
  • Tại kho đóng gói, hệ thống truy nguyên gồm hồ sơ tiếp nhận, sản xuất cũng như mã/tên nhóm nông dân được in trên bao bì và nhãn hiệu. Mã nhóm nông dân được thiết lập từ hệ thống PGS. Mã nhóm được cấp cho mỗi nhóm bao gồm năm gia nhập và số thứ tự của nhóm.
  • Trên bao bì đóng gói, ngoài thông tin về sản phẩm cùng nhãn hiệu của PGS, phải có đầy đủ các thông tin của các nhóm sản xuất và đơn vị phân phối bao gồm địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Theo kế hoạch, từ năm 2018, toàn bộ sản phẩm được giám sát trong PGS đươc dán mã QR để ngăn ngừa sự gian lận
  • Logo PGS vừa là ký hiệu của mạng lưới PGS vừa là dấu chứng nhận  được gắn trên sản phẩm của các thành viên PGS đã hoàn thành xong quy trình và thủ tục của PGS. Logo của PGS có thể được tất cả các thành viên của PGS sử ụng trên áo phông, mũ lưỡi trai, các ấn phẩm xuất bản v.v…

3.4. Giám sát thị trường. Năm 2010, PGS cùng với các công ty thành viên đồng thuận phát triển một tiêu chuẩn dành cho các đơn vị kinh doanh, bán lẻ nhằm tạo ra một thị trường hữu cơ minh bạch. Ban điều phối PGS trực tiếp điều phối công tác giám sát thị trường bằng cách:

  • Sử dụng đường dây nóng và thư điện tử để tiếp nhận các thông tin phản ánh
  • Sử dụng nhóm tình nguyện viên là khách hàng, sinh viên tham gia giám sát minh bạch tại các cửa hàng thành viên. Khi mức độ vi phạm là nghiêm trọng, có biểu hiện gian lận hoặc mang tính hệ thống,  một nhóm kiểm tra sẽ được Ban điều phối chỉ định để xác minh thông tin, lập biên bản và thực hiện các biện pháp trừng phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ theo quy định của PGS. Lấy mẫu để xét nghiệm (nếu cần) sẽ được tiến hành để làm cơ sở cho việc ra quyết định cuối cùng.

             

  1. Ứng dụng công nghệ quản lý trong PGS. PGS Viêt Nam đang cải tiến hệ thống quản lý để đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của khách hàng khi sử dụng sản phẩm được sản xuất và giám sát từ PGS. Hoạt động này được thực hiện qua các bước:
  • Xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu và tình trạng chứng nhận PGS
  • Phát triển hệ thống xác thực điện tử cũng mã QR (Xác thực số) để ngăn ngừa sự gian lận
  • Phát triển một diễn đàn nơi khách hàng, người sản xuất, người kinh doanh hoặc bất cứ ai có quan tâm đều có thể tiếp cận để tìm kiếm thông tin về sản phẩm, có thể mua ở đâu, tình trạng sản xuất vv….

 

  1. Xử lý vi phạm. Có nhiều trường hợp người sản xuất không thể hoặc không tuân thủ theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn của hệ thống PGS. Đa số những vi phạm này không nghiêm trọng và chủ yếu là các vi phạm có liên quan đến việc ghi chép sổ sách. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm có thể nghiêm trọng hơn, ví dụ như sử dụng loại vật tư đầu vào bị cấm hoặc dán sai nhãn mác sản phẩm.

Nguyên tắc

  • Được sự đồng thuận trước của người sản xuất và vì thế giúp người sản xuất hiểu rõ những hậu quả của việc vi phạm là gì và có sự cam kết tuân thủ ;
  • Viết thành văn bản và đưa tới người sản xuất có kèm theo bản thỏa thuận tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn của họ . Thông thường, văn bản về hậu quả vi phạm được đính kèm với bản Cam kết của nông dân.
  • Phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và năng lực tài chính của người sản xuất.
  • Xây dựng và áp dụng một cách nhất quán, công bằng về mức độ, minh bạch và công bố kết quả bằng phương thức phù hợp như website hoặc thông báo nơi công cộng.Quy định xử lý vi phạm trong PGS hữu cơ Việt Nam. Nhóm điều phối sẽ cung cấp những tài liệu hướng dẫn về tiến trình xử lý vi phạm và bảng mục các mức xử phạt. 
  • Liên nhóm có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm đối với nhóm nông dân trực thuộc.
  • Ban điều phối PGS có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm đối với sự vi phạm do liên nhóm hoặc nhóm sản xuất gây ra. BĐP PGS có thế đình chỉ hoạt động cấp chứng nhận của toàn bộ liên nhóm hoặc loại bỏ liên nhóm khỏi hệ thống, từ chối quyết định cấp chứng nhận hoặc thu hồi chứng nhận của của các nông dân trong nhóm sản xuất.
  • Ban điều phối PGS có quyền xử lý vi phạm các cửa hàng/công ty thành viên. Tùy theo mức độ vi phạm, từ nhắc nhở để sửa chữa, đến cảnh cáo, cuối cùng là hủy bỏ tư cách thành viên và niêm yết công khai trên website của PGS. Trừng phạt các cửa hàng thành viên cần có sự phối hợp đồng bộ từ các liên nhóm tới các nhóm sản xuất. Khi bị hủy bỏ tư cách thành viên, công ty bị trừng phạt sẽ bị các nhóm sản xuất từ chối cung cấp sản phẩm hữu cơ

6. Những nhân tố thúc đẩy hình thành PGS

Những nhân tố thúc đẩy hình thành hệ thống PGS bao gồm:

  • Mong muốn nâng cao tính công bằng và bình đẳng thông qua chuỗi sản xuất;
  • Hệ thống PGS là nơi nông dân quy mô nhỏ có thể có được nhãn mác với chi phí thấp.
  • Việc tổ chức theo nhóm trong PGS sẽ hỗ trợ các hoạt động xây dựng cộng đồng cũng như tiếp thị theo nhóm tốt hơn.
  • Mong muốn tạo dựng giá trị cộng đồng và hỗ trợ phát triển cộng đồng thông qua nông nghiệp hữu cơ.
  • Các tổ chức phi chính phủ thấy được cơ hội hỗ trợ xây dựng PGS để qua đó có thể đạt được mục tiêu phát triển cộng đồng của mình, trong khi nông dân thấy được cơ hội tiếp cận thị trường và thu lợi nhuận cao hơn.
  • Sau một thời gian khi hệ thống PGS đã đi vào hoạt động ổn định, các lợi ích được nhận diện rõ ràng hơn và khi đó người sản xuất mới có thể đánh giá được đầy đủ lợi ích và tầm quan trọng của PGS.

7. Những bài học vận dụng PGS ở Việt Nam

Sau gần 10 năm kể từ khi thành lập PGS vào tháng 12/2008, sự ra đời của Liên nhóm Lương Sơn đầu tiên trong hệ thống PGS vào ngày 9/7/2009, Liên nhóm Thanh Xuân (25/9/2009) Liên nhóm Trác Văn Hà Nam (6/2013) rồi lần lượt các PGS từ các tỉnh khác. Sự phát triển của PGS ở Việt Nam là do những lý do sau:

  • Trao quyền hành động: PGS huy động các nguồn lực của xã hội, nâng cao năng lực và tính trách nhiệm của tập thể. Tham gia vào PGS, đã làm tăng nhận thức và năng lực của người sản xuất, người kinh doanh và các tổ chức địa phương trong quá trình cùng vận hành, cùng giải quyết khó khăn và cùng ra quyết định mang tính sống còn với sự tồn tại và phát triển của PGS
  • Làm việc có tổ chức và tự chịu trách nhiệm PGS đã tập hợp nông dân sản xuất nhỏ tạo một mạng lưới cơ sở có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức sản xuất có kỷ luật và thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng qua việc đảm bảo chất lượng sản phẩm tới tận bàn ăn.
  • Chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung: Tham gia PGS, các bên liên quan đã cùng chia sẻ lợi ích cốt lõi  chung đó là được sử dụng thực phẩm lành cho một cuộc sống khỏe mạnh, và vì thế họ cùng chia sẻ trách nhiệm để giám sát và đảm bảo chất lượng dọc theo chuỗi sản phẩm
  • Tiến trình học tập không ngừng: Tham gia PGS, không chỉ thu nhập của nông dân được ổn định và tăng lên 50-100%, PGS còn tạo môi trường cho nông dân sản xuất nhỏ tham gia các cuộc hội họp, các chương trình đào tạo và sự kiện để học tập, giao lưu và chia sẻ. Nông dân PGS tự chủ, tự tin thiết lập và cải thiện mối quan hệ của họ với cộng đồng và xã hội
  • Kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm: PGS với khả năng thiết lập mạng lưới giám sát tự chủ từ cộng đồng thôn bản, sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp nhà nước có thể giải quyết vấn đề mất an toàn thực phẩm mà nguyên nhân sâu xa từ việc mất kiểm soát sản xuất từ các hộ nông dân nhỏ trong khi họ giữ một tỉ trọng không nhỏ trong thành phần sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay

 

  1. Đề xuất về chính sách đối với PGS Việt Nam

Trong hơn 70 quốc gia đã có hoặc đang xây dựng các quy định hữu cơ, và hơn 60 nước đang vận dụng PGS, một nước như Ấn Độ, Braxin, Achentina, Philipine đã cân nhắc xem xét PGS trong quá trình phát triển các quy định và luật hữu cơ. Để khuyến khích sản xuất hữu cơ và mở rộng ra ngoài phạm vi các đối tượng hữu cơ đã được chứng nhận, cần hỗ trợ PGS bằng việc đưa vào các quy định và chính sách hữu cơ của quốc gia. Một số tổ chức quốc tế đã đưa ra những khuyến nghị cho vấn đề này. Ví dụ như :

  • “Nên tránh đưa ra những yêu cầu bắt buộc phải có chứng nhận của bên thứ ba bởi chúng không tạo điều kiện cho các chứng nhận thay thế khác nổi lên. Các thủ tục đánh giá thích hợp khác, như hệ thống đảm bảo cùng tham gia, nên được khai thác”. Đây là một trong 35 khuyến nghi được đưa vào trong tài liệu xuất bản của UNEP-UNCTAD: Những thực tiễn tốt nhất cho chính sách hữu cơ.  
  • Brazil. Nghị định 6323 tháng 12 năm 2007 chỉ  rõ rằng “Hệ thống đánh giá hữu cơ Brazil, được xác định bởi một nhãn hiệu duy nhất trên toàn lãnh thổ quốc gia, được thiết lập bởi các hệ thống đảm bảo chất lượng hữu cơ cùng tham gia [PGS] và chứng nhận của bên thứ ba” Một phần đặc biệt của nghị định là quy định chức năng và tiến trình công nhận của PGS và tuyên bố rằng bộ Nông nghiệp và Bộ Môi trường sẽ hỗ trợ việc thiết lập PGS quốc gia. (Chương III, mục Cơ cấu kiểm soát : điều khoản 29.2 và 30 và mục IV)
  • Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM thừa nhận sự đa dạng của nông nghiệp hữu cơ và tiềm năng to lớn của PGS, đồng thời kêu gọi các chính phủ phát triển và cải thiện các chính sách và quy định hữu cơ để hỗ trợ PGS.

Đề xuất cho Việt Nam:

  • Coi PGS là một trong những hệ thống đánh giá phù hợp được thừa nhận trong quy định được công nhận bởi chính phủ.
  • Xây dựng chương trình hoặc dự án nhằm hỗ trợ phát triển năng lực, cho phép, thiết lập và phát triển các hệ thống đảm bảo cùng tham gia- PGS.
  • Khuyến khích chính quyền địa phương thể hiện vai trò của họ trong việc hỗ trợ phát triển PGS.
  • Tổ chức hoạt động nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, quảng bá sản phẩm, củng cố tổ chức sản xuất,...
  • Phát triển các điều khoản áp dụng cho chứng nhận theo nhóm để tạo điều kiện phát triển các hệ thống đảm bảo cùng tham gia dành riêng cho thị trường nội địa. Bao gồm: Cho phép đa dạng hệ thống sản xuất và tiếp thị bởi các cá nhân của nhóm; Duy trì các tài liệu cần thiết để bảo đảm tính nguyên vẹn hữu cơ của các sản phẩm trong hoàn cảnh địa phương; Trao quyền quản lý và cấp chứng nhận cho Hiệp hội hoặc một tổ chức xã hội đặc thù và đưa vào quy định những hoạt động cấp chứng nhận theo nhóm sẽ được giám sát bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Những đối tượng đã được cấp chứng nhận bởi các PGS được phê chuẩn nên được quyền tuyên bố hữu cơ, được phép sử dụng logo hữu cơ quốc gia hay các dấu hiệu thay thế, và được hưởng lợi từ các hình thức hỗ trợ khác cho nhà sản xuất hữu cơ như: trợ cấp , miễn thuế,...

 Phạm Thanh Hải - Từ Thị Tuyết Nhung

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. ADDA- Việt Nam, “Canh tác hữu cơ”. Nguồn http://www.vietnamorganic.vn
  2. Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ (2013), “Giáo trình Nông nghiệp hữu cơ”. Nguồn http://www.vcard.edu.vn  
  3. Phạm Thị Thùy (2015). “ Sản xuất rau hữu cơ theo hệ thống đảm bảo cùng tham gia-PGS”, Nhà xuất bản nông nghiệp.
  4. Từ Tuyết Nhung (2018). “PGS Việt Nam lịch sử hình thành,  phương pháp vận hành và những đề xuất “, Kỷ yếu Đại hội II, Hiệp hội hữu cơ Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 31
  • Lượt xem theo ngày: 3831
  • Tổng truy cập: 3828733