HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM: 30 NĂM HOẠT ĐỘNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT - Hội Làm vườn Việt Nam

HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM: 30 NĂM HOẠT ĐỘNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT

Hội Làm vườn Việt Nam được thành lập cách đây 30 năm đã trải qua 6 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc. Đại hội lần thứ nhất Hội Những người làm vườn Việt Nam (nay là Hội Làm vườn Việt Nam) được tổ chức vào ngày 13 tháng 01 năm 1986 tại Hà Nội bầu ra Ban chấp hành Trung ương Hội khóa I. Ban chấp hành đã bầu ông Nghiêm Xuân Yêm-nguyên Bộ trưởng phụ trách khoa học Bộ Nông nghiệp làm Chủ tịch. Lúc mới thành lập, Hội chỉ có 125 hội viên. Đến nay tổ chức Hội đã có ở 58 tỉnh, 493 huyện và 6.197 hội cấp xã và 18.481 chi hội thôn với trên 840.000 hội viên, trong đó có 15 hội địa phương được xếp là hội đặc thù. Văn phòng Trung ương Hội có 15 đơn vị trực thuộc là các Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và Báo Kinh tế Nông thôn. Trải qua 30 năm hoạt động, phong trào phát triển kinh tế VAC do Hội đề xướng và vận động đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp và nông thôn. Mục tiêu hoạt động của Hội luôn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn từ việc giải quyết dinh dưỡng cho hộ gia đình trong thời gian đất nước thiếu lương thực, thực phẩm đến thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và làm giàu vào thời kỳ đổi mới và hiện nay sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả và hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới.

 

PHẦN THỨ NHẤT

Những thành tựu hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam

                                      

Những đóng góp của Hội Làm vườn Việt Nam trong 30 năm (1986-2016) cho phong trào vận động phát triển kinh tế VAC có thể tóm tắt như sau:

I. Bảo tồn và phát triển nghề làm vườn góp phần vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.

         Ngay từ khi thành lập (1986) Hội đã vận động hội viên nông dân khôi phục và phát triển nghề vườn, nghề truyền thống đã gắn bó với cuộc sống dân tộc ta qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nghề mà trong những năm chiến tranh kéo dài cùng với thiếu sót một thời đã bị mai một. Để khôi phục và phát triển nghề vườn theo ý tưởng của Bác Hồ:“Trên vườn cây - dưới ao cá” Hội đã đề xuất và vận động phong trào phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng ở khuôn viên hộ gia đình gọi tắt là VAC. Phong trào làm VAC do Hội vận động đi lên từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, từ chăm lo cải thiện bữa ăn, chống đói, suy dinh dưỡng tiếp đến là có chút sản phẩm để bán và từng bước tiến lên phát triển VAC kinh tế hàng hóa góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Việc bảo tồn và phát triển nghề vườn được thực hiện theo từng giai đoạn như sau:

a). Phát triển VAC dinh dưỡng: Vào giai đoạn 1976-1985 sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước được thống nhât, nhưng nền kinh tế nước ta gặp khó khăn do xuất phát điểm thấp và bị bao vây, cấm vận, đời sống nhân dân hết sức khó khăn và thiếu thốn. Tình trạng suy dinh dưỡng rất cao bình quân cả nước trên 50% ở trẻ em, đặc biệt có tỷ lệ trên 50% là trẻ em ở các vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và ven biển miền Trung. Nhận thấy việc giải quyết tình trạng thiếu dinh dưởng là vấn đề cấp bách, ngay sau khi thành lập Hội vào năm 1986, Hội đã phát động phong trào phát triển VAC dinh dưỡng với mục tiêu bước đầu là tự giải quyết thực phẩm để cải thiện bữa ăn. Hình thức làm VAC dinh dưỡng được Hội vận động đi từ đơn giản, dễ làm. Ban đầu là mấy luống rau ngắn ngày ( rau dền, rau ngót, rau cải, mồng tơi ...) vài cây ăn quả dễ trồng ( khóm chuối, cây đu đủ), vuông ao nhỏ để nuôi, đánh tỉa thả bù cá nhỏ ( rô phi, chép` ...) chăn nuôi vài con gà mái cho trứng hàng ngày và cứ nâng dần, có nhiều rau, củ, quả và thực phẩm chất lượng cao hơn để bữa ăn phong phú, nhiều nhất bồi dưỡng sức khoẻ. Mô hình VAC dinh dưỡng bước đầu làm ở một số gia đình, một số điểm, rồi nhân rộng ra xóm, làng, tiến tới mở rộng ra các vùng, miền. Vào cuối năm 1985, Ban Bí thư TW Đảng có Chỉ thị 35 về phát triển kinh tế gia đình là cơ sở để Hội phát động phong trào cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng trống được quần chúng hưởng ứng càng ngày càng mạnh. Nhờ có phong trào trên, mỗi năm có hàng nghìn ha được cải tạo. Cùng với cải tạo vườn tạp, việc tu bổ cải tạo ao hồ nuôi trồng thủy đặc sản cũng được đẩy mạnh ở nhiều địa phương như: Hà Bắc, Hải Hưng, Thái Bình, Hải Phòng… khôi phục nghề nuôi cá nước chảy, các tỉnh đồng bằng sông Cửu long phát triển nuôi cá ao cạnh nhà, vùng ven biển thì mở rộng việc quy hoạch các vùng ao nuôi tôm, cua, lươn, ếch, ba ba…. Vào thời gian này, sản lương lương thực ở nước ta tăng nhanh, việc nuôi gia cầm, gia súc cũng được phát triển mạnh. Nhờ vậy, mô hình sản xuất gồm cả 3 yếu tố V-A-C được mở rộng. Tùy theo địa-sinh thái của từng vùng mà người nông dân lựa chọn thực hiện VAC-VA-AC- VC hoặc sáng tạo thêm VACR, VACB…

Chương trình phát triển VAC dinh dưỡng vào thời kỳ đó không những được nhân dân ta khen ngợi mà được bạn bè quốc tế khâm phục cho đây là cách làm độc đáo của Việt Nam. Nhờ vậy, hoạt động của Hội còn được các tổ chức quốc tế như UNICEF, AuSAID, QSA, FAO, CARE… tài trợ và được tặng giải thưởng quốc tế Liguria về dự án phát triển hệ sinh thái VAC  bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe trẻ em.

b). Phát triển kinh tế VAC góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu: Công cuộc đổi mới ở nước ta được khởi đầu vào năm 1986, nhưng nền kinh tế thực sự chuyển sang kinh tế thị trường bắt đầu từ năm 1989. Vào thời gian này, với chính sách đổi mới nông nghiệp của Đảng và Nhà nước được mở đầu bằng Chỉ thị 100 khoán việc và khoán sản phẩm, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về kinh tế hộ, Nghị Quyết 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo hướng “ chuyển nền kinh tế nông nghiệp nước ta mang tính tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá ” đã khuyến khích mạnh mẽ các hộ gia đình làm kinh tế VAC. Trong sản xuấtnông nghiệp thực hiện việc giao khoán đến hộ đã tạo ra sự nhảy vọt từ nước đang thiếu lương thực vươn lên thành nước xuất khẩu gạo, vấn đề cân đối lương thực trên phạm vi toàn quốc đã đảm bảo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao (30% năm 1992) và trên 40 % ở những vùng xa, vùng sâu vùng đặc biệt khó khăn. Để giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, nhằm bảo đảm phát triển bền vững, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn từ phong trào xóa đói, giảm nghèo của cả nước, từ năm 1998 đến nay, xóa đói, giảm nghèo đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia và được đưa vào kế hoạch Nhà nước.

        Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, phong trào làm kinh tế VAC do Hội vận động đã chuyển hướng để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Vào thời gian này, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân quản lý để thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (Chương trình 327); Phong trào đấu thầu, giao khoán các loại đất thùng đào, thùng đấu, đất trũng lầy thụt, đất ven đê, ven sông được các hội viên mạnh dạn đầu tư và cải tạo thành các mô hình sản xuất VAC có hiệu quả. Diện tích canh tác trước đây manh mún, nay do yêu cầu tập trung để tiện canh tác dẫn đến nhu cầu dồn điền đổi thửa tạo thuận lợi phát triển nhiều trang trại làm kinh tế VAC phát triển.

         Nhiều mô hình làm kinh tế VAC do Hội chỉ đạo và vận động đạt thu nhập cao như: mô hình trồng cam, bưởi Diễn của một số gia đình ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thu nhập 300 triệu-500 triệu/năm, mô hình vườn cây ăn trái gắn với du lịch ở Củ Chi (TP. Hồ Chi Minh) cho thu nhập 150 triệu đến 200 triệu/ha/năm. Ngay cả khu vực miền núi cũng có những mô hình cho thu nhập cao như: mô hình trồng Cam ở Vị Xuyên (Hà Giang), Cao Phong (Hoà Bình) cho thu nhập 500 triệu -1 tỷ đồng/ha, mô hình trồng đào chín sớm ở Mộc châu (Sơn La) cho thu nhập 150-200 triệu/năm. Mô hình nuôi ba ba, nuôi nhím ở Chi lăng, Lộc Bình (Lạng Sơn), Sông Mã (Sơn La) cho thu nhập 200-300 triệu/hộ. Ở các tỉnh phía Nam, có nhiều mô hình trồng các cây ăn quả đặc sản cho thu nhập cao và có giá trị xuất khẩu như: thanh Long (Bình Thuận), Bưởi Da xanh (Tiền Giang, Long An…) nhãn Idol, xoài Cao Lãnh, Quýt Lai Vung  (Đồng Tháp)…cho hiệu quả cao gấp 3 đến 5 lần giá trị bình quân trên một đơn vị diện tích. Nhiều mô hình phát triển kinh tế VAC còn có tác dụng cải tạo vùng đất phèn mặn và kết hợp với du lịch sinh thái điển hình là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang đã vận động hội viên và nông dân xây dựng hàng trăm mô hình VAC – tràm – lúa cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm; mô hình VAC kết hợp du lịch sinh thái cho thu nhập 160 – 250 triệu đồng/hộ/năm.

         Phong trào phát triển kinh tế VAC đã đóng góp quan trọng tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp của cả nước. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác ở nước ta bình quân từ 54,6 triệu đồng/ha (trồng trọt), 103,8 triệu đồng/ha (nuôi trồng thủy sản) năm 2010 lên 82,5 triệu đồng/ha (trồng trọt), 183,8 triệu đồng/ha (nuôi trồng thủy sản) năm 2015, đặc biệt khi chuyển đổi sang làm VAC thì nhiều gia đình nông dân trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá nứơc ngọt đã đạt tới 300-500 triệu đồng/ha/năm, có hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Ở nhiều vùng thuần nông, thu nhập từ làm VAC đã trở thành nguồn thu nhập chính chiếm 60-70% thu nhập hàng năm của hộ gia đình đã góp phần xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm rất ấn tượng từ 30% năm 1992 xuống khoảng 9,5% năm 2010 và dưới 5% năm 2015. Vì vậy, phát triển kinh tế VAC đã được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để xóa đói giảm nghèo và làm giàu và cũng là giải pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tăng nhanh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.

Phong trào vận động phát triển kinh tế VAC do Hội chỉ đạo còn hướng tới hỗ trợ hàng trăm vườn VAC tình nghĩa tặng cho các gia đình đối tượng chính sách, đối tượng nghèo đã tạo nguồn thu nhập bền vững cho họ.

c. Phát triển VAC theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường

        Việc nghiên cứu và ứng dụng TBKT vào làm kinh tế VAC của Hội được khởi đầu từ tổng kết kinh nghiệm từ quần chúng và từng bước áp dụng có chọn lọc phù hợp với điều kiện từng vùng. Ngay từ năm 1986 khi mới thành lập Hội đã tiến hành điều tra, bình tuyển giống cây trồng, vật nuôi ưu việt ở các địa phương và từ năm 1986-2006 đã xây dựng hệ thống các trung tâm trình diễn VAC ở 40 tỉnh/thành trong cả nước làm cơ sở thực nghiệm, chọn lọc và nhân giống tốt có chất lượng cao cung cấp cho các địa phương. Khi nền nông nghiệp nước ta hội nhập sâu vào thế giới. nông sản hàng hóa nước ta đứng trước những yêu cầu phải đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vào năm 2008, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành tiêu chuẩn riêng về sản xuất nông sản an toàn của Việt Nam (VietGAP), được xây dựng trên cơ sở thừa kế các tiêu chuẩn GAP đã ra đời trước đó: GlobalGAP, AseanGAP và các GAP khác trên thế giới và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Từ năm 2008 đến nay Trung ương Hội và Hội địa phương tập trung xây dựng mô hình phát triển kinh tế VAC áp dụng theo hướng GAP và xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp theo phương châm sản xuất kết hợp với tiêu thụ sản phẩm. Khởi đầu cuộc vận động sản xuất cây ăn quả theo quy trình GAP được các hội viên Hội Làm vườn các tỉnh có sản phẩm VAC hàng hóa tập trung ở Duyên hải miền trung, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ trên các sản phẩm thanh long, chôm chôm, bưởi Da xanh, xoài, vú sữa...đến nay có nhiều các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng áp dụng sản xuất theo VietGAP trên vải thiều, nhãn, cam, rau xanh… một số Hội địa phương như: Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Đồng Tháp. Bến Tre…còn triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản như: ong mật Sơn La, cam Cao Phong, gà đồi Yên Thế, vải Lục Ngạn, Nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Da xanh, xoài Cao Lãnh, vú sữa Lò rèn … và kết hợp đã cấp chứng chỉ VietGAP cho các hộ gia đình là hội viên. Ở Trung ương Hội cũng được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao triển khai  một số dự án phát triển cây ăn quả, cây thanh long theo VietGAP ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền trung và Đồng bằng sông Cửu long.

        Phát triển VAC theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đã góp phần không nhỏ vào tăng cường xuất khẩu rau quả nước ta cho. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu rau quả năm 2015 ước tính đạt 2 tỷ USD. Điều đáng nói là thị trường xuất khẩu của rau quả nước ta ngày càng được mở rộng, Đến nay, rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Vì vậy, tương lai rau quả sẽ trở thành mặt hàng nông sản quan trọng đóng góp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân ở khu vực nông thôn.

        Cùng với phong trào sản xuất theo VietGAP, phong trào áp dụng các TBKT sử lý các chất thải từ chăn nuôi, sử dụng phân vi sinh cũng được tổ chức Hội các cấp vận động hội viên áp dung như sử dụng hầm Biogas Vacvina cải tiến, phân vi sinh do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn, Trung tâm Vị Nông, Công ty TNHH nông nghiệp xanh là đơn vị trực thuộc thuộc Hội Làm vườn Việt Nam nghiên cứu và triển khai.

 II. Tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến làm VAC giỏi thành phong trào quần chúng

        Trong các nhiệm kỳ Hội đã tập trung triển khai xây dựng nhiều mô hình VAC điển hình ở các vùng sinh thái như: Mô hình chuyển đổi vùng cấy lúa 1 vụ hoặc 2 vụ thu hoạch bấp bênh sang trồng cây ăn quả (cam đường, nhãn, vải), nuôi cá chim trắng, cá rô phi ở Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng có thu nhập gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Mô hình về cải tạo nâng cấp chất lượng vùng vải thiều Lục Ngạn, vùng nhãn Lồng Hưng Yên, vùng cam Vị Xuyên (Hà Giang), vùng bưởi Diễn, cam canh Hà Nội, vùng trái thanh long Bình Thuận, Ninh Thuận. Mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn ATTP quy mô hợp tác xã nhằm sản xuất ra trái cây chất lượng cao, mẫu mã đẹp đáp ứng yêu cầu của khách hàng ở Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Những mô hình VAC do Hội Làm vườn Việt Nam thực hiện đã thực sự đem lại lợi ích cho nông dân hội viên có sức thuyết phục, góp phần nâng cao vị thế của Hội đối với nhân dân, chính quyền và các tổ chức xã hội khác ở địa phương.

        Bên cạnh những mô hình do các cấp Hội xây dựng, những mô hình VAC tiêu biểu phát hiện và tổng kết từ phong trào quần chúng thì rất đa dạng. Đặc điểm chung của mô hình làm VAC giỏi này là dân tự đầu tư, tự tìm tòi và tự lựa chọn kỹ thuật, không ít mô hình đầu tư thấp mà đạt hiệu quả cao như: mô hình nuôi ba ba gai của một nông dân ở Sơn La đã chọn ra giống ba ba gai giá sản phẩm cao gấp 2-3 lần giá ba ba trơn, trên diện tích vườn khoảng 1.000m2 đã xây dựng thành cơ sở sản xuất, thu hàng trăm triệu đồng/năm; ông Hai Hoá ở Bến Tre sáng tạo ra kỹ thuật điều khiển bưởi ra hoa theo ý muốn và quả không có hạt. Ông Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên mỗi năm thu lãi vài ba trăm triệu đồng từ trang trại nhãn lồng được đặt danh hiệu là "Phù thủy nhãn lồng Hưng Yên"…

III. Nâng cao kiến thức cho nông dân thông qua hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn

         Trong giai đoan 2009-2015 Trung ương Hội và Hội Làm vườn các cấp đã tổ chức tập huấn và đào tạo nghề bình quân 300.000 lượt/người/ năm. Phương pháp đào tạo luôn được đổi mới từ việc người tham dự thụ động tiếp thu kiến thức của giáo viên đến cải tiến học bằng cách tạo môi trường thuận lợi trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa học viên và giáo viên, giải đáp những thắc mắc của học viên trong quá trình sản xuất, tham quan, trao đổi tại đồng ruộng, các câu lạc bộ trang trại...

         Ở tất cả các nhiệm kỳ, Trung ương Hội đều xác định thông tin, tuyên truyền về kỹ năng và kinh nghiệm làm VAC cho Hội viên có vị trí quan trọng. Báo Kinh tế nông thôn là một trong những đơn vị đã có nhiều nỗ lực hoạt động trong lĩnh vực này. Từ tờ báo “Người làm vườn” xuất bản mấy trăm tờ một kỳ, đổi tên thành Báo kinh tế nông thôn ở nhiệm kỳ này xuất bản tới 4 ấn phẩm: Kinh tế nông thôn, Kinh tế nông thôn cuối tuần, Kinh tế VAC chuyên đề cho dân tộc miền Núi và Báo điện tử. Số lượng phát hành đã lên tới 3.000- 5.000 tờ/kỳ, phát hành đến với các đối tượng bạn đọc là lãnh đạo địa phương, là hội viên nông dân, là doanh nghiệp nông thôn, ở tất cả các vùng trong cả nước. Trung ương Hội có trang Website vacvina và đã xuất bản trên 40 đầu sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xây hầm Biogas, làm phân sinh học...

            Ở một số Tỉnh Thành, Hội địa phương và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cũng đã xuất bản tạp chí, thông tin chuyên đề hoặc xuất bản sách chuyên đề để tuyên truyền phát triển VAC.

 

PHẦN THỨ HAI

Nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm

 I. Nguyên nhân chính đạt được các kết quả trên 

         1). Hội có tôn chỉ mục đích đúng đắn, các cấp hội viên nắm vững tính chất của Hội để hoạt động, vận dụng bước đi phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

          2). Hội đã đi đúng đường lối quần chúng từ tuyên truyền vận động, giác ngộ quyền lợi, tập hợp lực lượng và tổ chức, phát huy nội lực quần chúng nên phong trào đi nhanh, vững chắc.

           3). Trung ương Hội và lãnh đạo Hội các cấp coi trọng chăm lo xây dựng mạng lưới, đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công tác hội.

           4). Hội đã luôn luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các cấp, tăng cường phối hợp hợp tác về các ngành, các cơ quan, các đoàn thể được sự ủng hộ, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để Hội hoạt động tốt, phong trào phát triển mạnh.

            5). Hội đã mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức NGO nước ngoài, cùng tôn trọng đến lợi ích của nhau và thực hiện tốt những vấn đề cùng quan tâm để phục vụ phong trào và đời sống quần chúng.

  1. Những bài học kinh nghiệm để phát triển kinh tế VAC:

        Bài học thứ nhất là Hội Làm vườn Việt Nam ra đời, trưởng thành và phát triển là nhu cầu khách quan đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nhất là bộ phần nông dân nghèo, thiếu vốn và kỹ thuật.Nhờ vậy, tổ chức Hội đã nhanh chóng lan rộng ra địa bàn cả nước, ăn sâu bám rễ đến các bản làng, đến các gia đình. Có thể nói chỗ nào có cộng đồng dân cư, chỗ đó có tổ chức Hội và hoạt động VAC.

         Bài học thứ hai là Những phong trào mà Hội đã khởi xướng, vận động qua các thời kỳ như: VAC dinh dưỡng, VAC kinh tế hộ gia đình, trang trại, VAC công nghệ cao và hướng tới ATTP …phù hợp yêu cầu của từng giai đoạn phát triển nên đã trở thành những giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như Giảm nghèo, Xây dựng nông thôn mới, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”….

          Bài học thứ ba là Hội Làm vườn Việt Nam luôn coi trọng việc phát hiện và xây dựng mô hình điển hình làm VAC giỏi. Trong quá trình vận động phát triển kinh tế VAC, Hội đã sử dụng tất cả các hình thức như: hội thảo, giao lưu, tham quan, tập huấn, xuát bản sách …phổ biến rộng rãi TBKT, các kinh nghiệm điển hình làm VAC giỏi.

          Bài học thứ tư là  Trung ương Hội và Hội Làm vườn các cấp đã tranh thủ được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng ở Trung ương và địa phương, các tổ chức Quốc tế. /.

                                                                                                                 Đỗ Văn Hòa –CVP HLV VN

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 53
  • Lượt xem theo ngày: 8281
  • Tổng truy cập: 3823156