Một nền nông nghiệp thần kỳ - Hội Làm vườn Việt Nam

Một nền nông nghiệp thần kỳ

Israel có diện tích rất nhỏ, trên 20.000 km2, tức là chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An của Việt Nam chút ít. Tuy nhiên Israel lại được mệnh danh là “thung lũng silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3 tỷ USD nông sản, là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ít ai biết rằng, những sản phẩm rau quả từ Arava – một trong những nơi khô cằn nhất thế giới – lại chiếm tới trên 60% tổng sản lượng xuất khẩu rau của Israel và 10% tổng sản lượng hoa xuất khẩu.

 
Thung lũng Arava. Địa danh khá lạ tai đối với khách du lịch, nhưng lại là cái tên rất tự hào của mọi người dân Israel vì tại đây, phép màu đã làm nở hoa giữa sa mạc – những phép màu thực sự của khoa học công nghệ. Là phần khô hạn nhất của hoang mạc Negev với lượng mưa bình quân chỉ từ 20-50mm mỗi năm (Việt Nam là 1500mm/năm). Độ ẩm cực thấp và sự chênh lệch nhiệt độ khiến đá cũng phải vỡ vụn mà khắp hoang mạc phủ một lớp đá vụn và cát đặc thù sa mạc. Arava là một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này, là miền Trung Việt Nam với những dải đất bạc màu và đồi cát, hóa ra vẫn còn là miền đất trù phú!
 
 
Ấy thế mà nơi đây mọc nên những nông trại trồng đủ loại cây từ rau củ, cây ăn trái đến hoa hòe. Tất cả đều xanh tốt và cho sản lượng không nơi nào sánh được. Không từ nào có thể diễn tả đúng hơn về một “vườn địa đàng” đã được tạo ra giữa thung lũng Arava, đúng như Tổng thống Israel Shimon Peres đã thốt lên khi đến thăm nơi này năm 2009: “Hãy đến và thấy chính con người cũng có thể tạo nên vườn địa đàng! (Garden of Eden)”.
Ông Ezra Ravins, người đứng đầu cộng đồng hơn 3.000 người tại khu vực này cho biết, từ một nhóm thanh niên Israel “bồng bột”, mang theo bánh mì và nước quyết định định cư tại thung lũng Arava năm 1959, cả một cộng đồng đã được xây dựng với nhiều thế hệ, tạo thành một trong những trung tâm nông nghiệp lớn nhất cả nước. “Khi những người đầu tiên đến đây, quyết định đó được xem là “điên rồ” nhất và chính những nhà khoa học cũng khẳng định con người không thể sống được ở vùng đất này.”
 
 
 
Ấy vậy mà họ đã làm được, không chỉ làm được, mà còn tuyệt đối thành công, trồng trọt mà không cần đất và không cần nhiều nước, thoạt nghe cứ như chuyện của thế giới nào đó không phải trái đất này. Nhưng không, đó là sự thật, đó là Israel!
 
Thần kỳ cách họ trữ nước và sử dụng nước
Thiên đường nông nghiệp tại Arava gắn liền với một công trình xứng đáng ghi nhận như một kỳ công mà con người đã tạo ra giữa xa mạc: Bể chứa nước khổng lồ mang tên Shizaf. Với khả năng dự trữ 150.000 m3 nước sạch, bể chứa này có nhiệm vụ cấp nước sạch cho sinh hoạt và tưới tiêu. Bể được thiết kế để tích trữ nước từ giếng khoan vào thời điểm nhu cầu giảm.
Bể có đáy chìm 3,5 m dưới mặt sa mạc và chia thành nhiều lớp khác nhau, tạo nên bề mặt nổi 10m. Một khối lượng công việc khổng lồ được thực hiện để đào bỏ 320.000 m3 đá và đất sa mạc. Độ sâu của giếng khoan lên tới 1,5 km mới tới túi nước ngầm. Kỹ thuật thiết kế đặc biệt của bể chống lại chế độ bốc hơi tự nhiên cũng như thu gom nước một cách hoàn hảo.
 
 
Điều kiện tự nhiên của Israel đặc biệt khô hạn với lượng mưa rất thấp và thay đổi theo từng mùa: Phía Bắc quốc gia này lượng mưa khoảng 800 mm/năm và ở phía Nam chỉ khoảng 50 mm/năm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 11 đến khoảng tháng 3 năm sau và lượng bốc hơi tự nhiên lên tới 1.900-2.600 mm/năm. Không có gì ngạc nhiên khi nước ngọt ở Israel được coi như vàng trắng và được quản lý một cách chặt chẽ hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chính phủ xây dựng hẳn một bộ luật để đo lường mức tiêu thụ nước, kiểm soát việc khai thác nước ngầm, ngăn chặn ô nhiễm nước. Công nghệ xử lý nước của Israel thuộc hàng hiện đại nhất thế giới với tỉ lệ tái chế tới 75%.
Dọc ngang Israel, ở những thành phố lớn hay những vùng nông thôn, hoang mạc, hệ thống tưới nước hoàn hảo đến mức gần như không bỏ phí một giọt nước nào. Đại diện công ty công nghệ tưới NaanDanJain cho biết 75% hệ thống nước nông nghiệp của Israel áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, 25% còn lại tưới nước bằng ống dẫn và vòi tưới các loại phun mưa nhỏ, không hề có chế độ tưới ngập nước. Israel cũng là quốc gia phát minh ra hệ thống tưới nước nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính, kết hợp với các thiết bị kiểm soát độ ẩm trong đất, có thể tính toán chính xác nhu cầu nước và tiết kiệm tối đa.
 
 
Tại công ty Netafim, người viết được chứng kiến những thành quả đáng ngạc nhiên về hiệu quả của việc sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trên khắp các dự án ở những vùng khô hạn trên thế giới. Hệ thống ống dẫn nước như những mao mạch dẫn tới từng gốc cây, được vận hành chính xác bằng công nghệ cao cũng như sử dụng tối ưu năng lượng mặt trời. “Đạt năng suất cao hơn với chi phí thấp hơn” (grow more with less) là khẩu hiện của Netafim và có lẽ cũng là hướng đi của phần còn lại của thế giới, khi nguồn tài nguyên nước đang ngày càng suy giảm.
Israel giải quyết được sự thiếu nước, biến nước thành tài sản, đang dẫn đầu thế giới về tái chế nước thải, hơn 70% lượng nước được tái chế, gấp 3 lần quốc gia đứng thứ hai Tây Ban Nha.

“Cây đũa thần” khoa học
 
 
 
Một con số dễ hình dung về năng lực của “cây đũa thần” khoa học. Năm 1950, một nông dân Israel cung cấp thực phẩm đủ cho 17 người, hiện đã là 90 người. Một hecta đất hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ. Một con bò cho tới 11 tấn sữa/năm – mức năng suất mà không một nước nào trên thế giới có được.
Những thực tế tại công ty NaanDanJain đã đem lại một bài học khác về sự phối hợp: nhà khoa học, nhà doanh nghiệp có sự tách biệt khó phân định với nhà nông. Đa phần các nước nhập khẩu công nghệ của NaanDanJain chỉ biết rằng đây là một trong những công ty hàng đầu Israel chuyên về giải pháp tưới, hệ thống công nghệ kiểm soát khí hậu nhà kính, mà không biết rằng chính công ty cũng đang sở hữu những đồn điền rộng lớn, nơi chính những tiến bộ khoa học của công ty được triển khai đầu tiên, nhằm đảm bảo sự thích ứng hoàn hảo nhất đối với nhu cầu của người trồng trọt.
 
 
Một trong những lợi thế của sự phối hợp giữa khoa học và nhà nông tại Israellà tính cộng đồng rất cao. Nhà khoa học rất gần gũi với đồng ruộng và nhiều trong số họ cũng chính là nông dân hoặc giữ vai trò tư vấn trực tiếp cho nông dân. Các trung tâm nông nghiệp lớn, thậm chí cả các “làng nông nghiệp” (từ địa phương là kibbutz) đều có sự xuất hiện của các phòng nghiên cứu hoặc đại diện của các viện khoa học. Những giống cây mới hay các nghiên cứu mới về hệ thống nhà kính trước hết được thí nghiệm, kế đó sẽ áp dụng thử nghiệm với một số nhỏ hộ nông dân bằng nguồn vốn hỗ trợ của hệ thống tài chính vi mô hoặc từ chính quỹ của viện thí nghiệm, trước khi triển khai thương mại đại trà.
Tại Israel phần lớn các nhà khoa học nông nghiệp làm cho chính phủ. Có tới hơn 60% các công trình nghiên cứu nông nghiệp là của Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp hay trung tâm Volcani thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Israel cũng là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia. Nguồn lực này đến từ ngân sách và cộng động (50 triệu USD/năm), các hợp tác quốc gia song phương (12 triệu USD/năm), các tổ chức nông nghiệp cấp địa phương và quốc gia (6 triệu USD/năm) thông qua nguồn lợi từ thu hoạch cây trồng. Khu vực tư nhân cũng đóng góp khoảng 25 triệu USD hàng năm.
 
 
Nguồn lực này được cung cấp trực tiếp cho việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng và các nhà đầu tư giữ bản quyền sáng chế. Phần lớn các nghiên cứu đều do những công ty sản xuất sản phẩm đầu tư, như hệ thống tưới tiêu, phân bón, nhà kính… triển khai. Sự phối hợp giữa kinh doanh và nghiên cứu đảm bảo cho các nhà khoa học một mức ưu đãi đủ để phát huy tối đa năng lực hoạt động chuyên môn. Thậm chí các chuyện các chuyên gia nông nghiệp đi tư vấn trực tiếp cho các nông trại là điều không hiếm.
Việc chăn nuôi tại Israel:
 
 
Nuôi cá trên sa mạc
Khi đào giếng sâu gần nửa dặm, người Israel phát hiện nguồn nước ấm mặn. Một giáo sư đại học chỉ ra đây là nguồn nước hoàn hảo để nuôi cá nước ấm. Các nông trang bơm nước nóng 37 độ vào trong bể, nuôi cá thương mại. Nước chứa chất thải của cá được tưới cho rau, cây ăn quả. Nhờ vậy, nước được sử dụng tới 2 lần thay vì dùng 1 lần rồi bỏ.
 
 
Những con bò có giáo dục
AfiMilk chính là công ty đã mang lại cho Israel thương hiệu độc tôn trong ngành chăn nuôi bò sữa, đặc biệt là ở khu vực châu Á, nơi mà thói quen uống sữa đang được hình thành. Những công nghệ của AfiMilk đã và đang giúp người nông dân chăn nuôi bò sữa kiểm soát được loại sữa đang được sản xuất từ trang trại của mình; cũng như kiểm soát được liệu mỗi con bò đã có đủ dinh dưỡng không, sữa bò có đủ lượng protein tiêu chuẩn không, tình trạng sức khỏe của bò ra sao, mỗi con bò đang cần được chăm sóc thế nào… Hệ thống giám sát thời gian thực do AfiMilk sản xuất đã giúp người nông dân đảm bảo duy trì chất lượng và sản lượng, đồng thời đáp ứng những nhu cầu cơ bản của đàn bò sữa.
 
 
Ở trang trại nuôi bò sữa của Kibbutz Mashabbe Sade thuộc vùng Nagev, bò được huấn luyện rất kỹ, cứ đến giờ là tự tìm đường về trạm cho sữa, thậm chí không cần người dẫn dắt. Họ gọi những con bò này là “bò có giáo dục”.

Tiện nghi cho chó
Israel đã phát triển một loạt các sáng tạo với những sản phẩm out of the box (những sản phẩm sáng tạo không gò bó theo khuôn phép) cho những người nuôi chó trên toàn thế giới, từ DogTV (kênh truyền hình dành cho chó) đến pooper-scooper (một thiết bị mang tính cách mạng giúp bạn tự động dọn sạch phân chó – đã có trên thị trường).
 
 
Khi bạn đi ra ngoài và để chú chó của mình ở nhà một mình, chúng sẽ không còn cảm thấy chán nhờ vào kênh DogTV – kênh truyền hình dành cho những chú chó đã đạt những thành công phi thường của Israel .
Và khi bạn lái xe, một việc không ai muốn làm đó là dọn phân cho những chú chó, sẽ trở nên dễ dàng với thiết bị của Paulee CleanTec: biến chất thải thành chất không màu, không mùi, bột vô hại chỉ với một nút nhấn.
Dẫn đầu thế giới về công nghệ sạch
Họ được xếp hạng cao nhất với chỉ số 4,34, tiếp theo là Phần Lan 4,04, Mỹ 3,67, Thụy Điển 3,55 và Đan Mạch 3,45. Trong vòng 3 năm qua, Israel có 19 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sạch được lọt vào danh sách rút gọn của GCII. “Israel đứng đầu chỉ số năm 2014. Ngoài bản năng sinh tồn, đất nước này còn tạo ra nền văn hóa, giáo dục và những nền tảng cần thiết khác để nuôi dưỡng sự sáng tạo”, báo cáo cho biết.
Những điều hay ho về con người, tính cách, bản sắc văn hóa và nền kinh tế:
Kinh doanh từ niềm đam mê sáng tạo nên cái mới, chứ không hẳn vì tiền TS. Ze’ev Ganor, một giảng viên cao cấp tại Viện Công nghệ Technion-Israel và đồng sáng lập của Urginea Ventures, người đã phân tích dữ liệu về các doanh nhân nối tiếp ở Israel từ năm 2005 nói rằng: Hiện tượng một doanh nhân thành lập nhiều công ty rất phổ biến ở Israel. Khoảng 10% doanh nhân Israel có ít nhất hai công ty trở lên, gấp đôi con số 5% ở Mỹ. Tương tự như vậy, có khoảng 7,5% các doanh nhân Israel khởi nghiệp từ ba công ty hoặc nhiều hơn, trong khi chỉ có 3,75% các doanh nhân Mỹ làm như vậy.
Trên sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ, số doanh nghiệp Israel nhiều hơn cả 4 nước Nhật Hàn Trung Cộng và Sing cộng lại. Không ít những ông chủ khổng lồ nhất thế giới có mặt trên đất nước này đến từ Mỹ, Ấn độ, Đức… Xuất khẩu hướng vào thị trường cao cấp và sản phẩm mà Israel thu lợi nhuận cao nhất là bán các ý tưởng, được kết hợp chặt chẽ từ hai yếu tố sáng tạo và táo bạo. Và hình như, đây chính là tinh thần Do thái.
Israel có tỷ lệ doanh nhân bình quân đầu người cao hơn bất kì một quốc gia nào khác. Vậy đâu là những yếu tố thúc đẩy sự thành công của họ?
“Tôi cho rằng giá trị chung cơ bản mà những người liên tục tạo ra các công ty khởi nghiệp nằm ở sự đam mê tạo ra giá trị mới chứ không phải đam mê kiếm tiền. Kiếm tiền chỉ là một yếu tố phụ, không phải là mục tiêu phấn đấu của những doanh nhân tiếp nối ở Israel.” GS. Amnon Shashua của Đại học Hebrew, người sáng lập ra các công ty Cognitens, OrCam và Mobileye nói.
 
 
Hay như theo cách mà ông Wurtman giải thích thêm về triết lý kinh doanh của họ: “Điều khiến bạn thích thú không phải ở việc tạo ra của cải, mà là tạo ra những cái mới.” “Đặc điểm của những doanh nhân tiếp nối là họ không bao giờ ngừng liên kết những ý tưởng mới vào doanh nghiệp mới và họ coi trọng cuộc hành trình của mình hơn là cái đích. Theo tôi, đây là một đặc điểm mang tính dân tộc, vì bản thân tôi đã luôn xem những gì tôi làm như là một phần của cuộc hành trình để phục vụ nhà nước Do Thái. Thành công, theo tôi, được đo bởi số lượng việc làm có chất lượng được tạo ra.” Wurtman khẳng định.

Mô hình kinh tế Kibbutz
 
 
 
Về kinh tế, mô hình kinh tế Kibbutz được hình thành từ những năm 1960 và tới nay vẫn còn duy trì hiệu quả. Đây là mô hình tổ chức nông-công nghiệp nông thôn độc nhất vô nhị trên thế giới chỉ có tại Israel. Hiện nay trên toàn Israel có khoảng 270 Kibbutz, trung bình mỗi Kibbutz này có trên dưới 300 xã viên hoạt động tương tự như nhau, sở hữu những cánh đồng trồng cây nông nghiệp, trại chăn nuôi gia súc, các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ như sản xuất bột giạt, đồng hồ đo nước xuất khẩu, van và khớp nối ống nước… Mọi thành viên của gia đình các xã viên được cung cấp miễn phí hai bữa ăn sáng và trưa tại một bếp ăn tập thể giữa làng. Riêng bữa tối các gia đình tổ chức ăn ở nhà để cho gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình mình.
Buổi sáng, các xã viên và trẻ em trong làng lũ lượt kéo đến các nhà ăn tập thể dùng bữa sáng. Nhà ăn được tổ chức hiện đại và sang trọng với đầy đủ các món ăn cao cấp không khác mấy so với các phòng ăn ở khách sạn 5 sao. Sau khi ăn xong, mỗi người tự mang bát đĩa, khay, thìa đến những chỗ quy định để “tổ bếp núc” rửa. Sau đó, trẻ em thì đến trường, người lớn đến nơi làm việc. Khoảng 12h30 trưa, trẻ em đi thẳng từ trường học tới nhà ăn, cùng người lớn dùng bữa trưa. Các gia đình không nhất thiết ngồi ăn cùng bàn, họ thoải mái tự chọn món mình thích và tùy chọn chỗ ngồi trong bữa ăn, không hạn chế số lượng và hoàn toàn theo nhu cầu.
 
 
Ngoài ra còn những điều cực kỳ lý thú, việc giặt giũ của mỗi gia đình được phụ trách bởi một tổ có tên “tổ giặt giũ” đảm nhiệm. Họ phân loại quần áo, dùng máy móc giặt sấy và trả về cho mỗi gia đình theo số thứ tự được đánh dấu của mỗi nhà. Các xã viên cũng không cần mua ô tô khi các Kibbutz luôn có sẵn khoảng 60 ô tô con các loại để tại bãi đậu xe có người trông coi. Ai cần đi xe chỉ việc chọn xe, đăng kí trên website và tới bãi để lấy xe chạy thoải mái. Ngoài ra, các khoản như xăng, sửa chữa và các chi phí khác hoàn toàn do Kibbutz chịu trách nhiệm. Nếu thích một loại xe nào đó khác, chỉ việc yêu cầu, Kibbutz sẽ chịu trách nhiệm đi thuê xe cho bạn, và đương nhiên, hoàn toàn miễn phí, Kibbutz sẽ thanh toán cho bạn.
Kibbutz còn xây dựng và cấp nhà miễn phí cho các gia đình xã viên. Khi cần mở rộng hoặc muốn cải tạo theo ý mình, chủ nhà trao đổi với ban quản trị, sau đó sẽ có một đội xây dựng đến thực hiện theo yêu cầu của chủ nhà, Kibbutz thanh toán chi phí toàn bộ, bao gồm cả tiền điện, nước, gas sinh hoạt trong các gia đình. Mỗi căn nhà này ở Mashabbe Sade là một biệt thự cao cấp, đầy đủ tiện nghi.
Ngày Shabbat bình yên
 
 
 
Chiều thứ sáu, đường phố ở Haifa vắng tanh, mọi người đều về nhà để chuẩn bị một bữa tối linh đình cho gia đình. Các cửa hàng, siêu thị, công sở đều đóng cửa, thậm chí các phương tiện giao thông công cộng cũng ngưng hoạt động. Người lần đầu đến Israel đúng những ngày này sẽ cảm thấy bất ngờ và hụt hẫng. Muốn mua sắm hay đi chơi đều phải chuẩn bị từ đầu hoặc giữa tuần. Nếu chẳng may phải đi đâu, phương tiện công cộng duy nhất là taxi với giá 5 shekel (tiền Israel, bằng khoảng 5.000 đồng VN).
Một người dân tên Roi Ariel cho biết, theo phong tục, người Israel thường ở nhà nghỉ ngơi, thư giãn, đọc sách, đi thăm người thân hoặc bạn bè, đi du lịch nhân ngày Shabbat. Cánh thanh niên tận dụng những ngày Shabbat để đi ra biển hoặc khám phá những thành phố mới. Roi Ariel đang trong thời gian quân ngũ và phục vụ trong hải quân. Tham gia quân đội cũng là cách các chàng trai, cô gái xứ sở này có được một khoản thu kha khá. Sau 3 năm tại ngũ, họ sẽ dùng số tiền tiết kiệm được để đi du lịch hoặc đăng ký học tại một trường đại học nào đó. Và trường đại học tại Israel thì có chất lượng không thua kém bất cứ đại học danh tiếng nào trên thế giới. Theo lời Erik – một người dân Israel thì, đàn ông Israel không có thói quen tụ tập tại các quán bar sau giờ làm việc, trừ những ngày cuối tuần. Hầu hết đều trở về nhà, giúp đỡ vợ những công việc gia đình, xem tivi, đọc sách và ngủ. Làm việc quên giờ giấc cũng là một đặc tính nữa của người Israel. Chắt chiu trong cuộc sống thường ngày, nhưng bù lại họ có niềm đam mê trong việc du lịch và khám phá những vùng đất khác. Chả thế mà người Israel được xem là dân tộc đi du lịch nhiều nhất thế giới.

Gửi ý kiến của bạn


Tin mới hơn

Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 43
  • Lượt xem theo ngày: 6284
  • Tổng truy cập: 3821159