Một số câu hỏi và giải đáp về phát triển cây Sachi ở Việt Nam - Hội Làm vườn Việt Nam

Một số câu hỏi và giải đáp về phát triển cây Sachi ở Việt Nam

Cây Sachi là nhập nội một vài năm gần đây và đã đưa trồng thử ở một số nơi, được nhận xét có nhiều tiềm năng phát triển ở một số vùng do tính thích ứng rộng và hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng mở rộng và hiệu quả kinh tế của cây Sachi. Xin giới thiệu với bạn đọc một số ý kiến hỏi và giải đáp trong Hội thảo về cây Sachi do Tổng hội Nông nghiệp phối hợp với một số cơ quan, doanh nghiệp tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

sachi 2

Cây Sachi trồng ở Tam Điệp - Ninh Bình

Sáng 21/8/2015, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã phối hợp cùng Cty Cổ phần Sacha Inchi Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đánh giá tiềm năng phát triển cây Sachi (Sacha Inchi) tại Việt Nam”. Các tham luận chính được báo cáo trong Hội thảo gồm:

- Giới thiệu về Sachi, những đặc tính của giống qua thời gian trồng khảo nghiệm tại Việt Nam và quy trình nhân invitro của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

- Tổng quan tình hình cây trồng Sachi trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam của đại diện phòng Xuất nhập khẩu Cty Cổ phần Sacha Inchi Việt Nam .

- Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; quy trình hợp tác đầu tư; chiến lược phát triển cây Sachi; hiệu quả kinh tế và tiềm năng phát triển Sachi tại Việt Nam của đại diện Phòng Dự án Nông nghiệp.

- Chiến lược đầu tư phát triển Thương hiệu và Marketing cho sản phẩm đầu ra từ cây Sachi của đại diện Phòng Marketing.

- Đánh giá bước đầu kết quả trồng khảo nghiệm Sachi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tam Điệp - Ninh Bình.của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia...

Một số thông tin quan trọng khác trong hội thảo là ông Đỗ Thành Khoa ở xã Thái Học (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết mình đã liên kết với một đơn vị của Thái Lan trồng 5 ha Sachi ở Thái Bình và 10 ha ở Hòa Bình. Hiện ông Khoa đang trồng xen Sachi với cây chùm ngây, sản phẩm làm ra chủ yếu để nhân giống bán chứ chưa tính đến chuyện bán hạt ép dầu dù đầu ra này cũng được người Thái Lan hứa hẹn bao tiêu với giá khoảng 40.000đ/kg. Một kinh nghiệm tốt từ ông Khoa là nên nuôi ong mật để thụ phấn cho hoa giúp cho cây đậu quả nhiều.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) có lẽ lâu lắm rồi mới có một đối tượng cây trồng mới thích hợp với Việt Nam như Sachi. Loại cây này là dành cho nước nghèo, cho người nghèo vì thu hái thủ công, nhiều lần trong năm nên không công nghiệp hóa được, không hợp với các nước đã phát triển. “Theo tôi đưa cây Sachi vào sản xuất là ổn nhưng cần điều chỉnh dần dần về kỹ thuật cho phù hợp hơn”.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận xét, từ thực tế nhiều hoa đực, ít hoa cái nên năng suất của Sachi ở Việt Nam thế nào vẫn là câu hỏi cần phải nghiên cứu. GS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia lâm nghiệp, cho hay nếu Sachi trồng xen kẽ với cây lâm nghiệp thì rất phù hợp nhưng vẫn còn băn khoăn về đầu ra: “Nếu một người mua vạn người bán thì doanh nghiệp có cam kết mua hết trong suốt thời gian tuổi đời sản xuất của cây (20-30 năm) không? Lượng dầu trong hạt Sachi cao như thế thì lưu trữ thế nào, thời hạn lưu trữ được bao lâu?”.

Về những vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tâm Hoàng Việt (đơn vị mẹ của Cty Cổ phần Sacha Inchi Việt Nam) đã khẳng định: “Chúng tôi cam kết bằng hợp đồng sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con đến hết đời sống của cây để phục vụ cho một nhà máy chế biến trong 2 tháng nữa sẽ đi vào hoạt động. Về thu hoạch, bảo quản, do cuống quả Sachi rất dai nên không sợ mưa lớn gây rụng. Khi phơi dưới nắng to vỏ quả bung ra nên bà con tách hạt khá dễ dàng. Hạt Sachi khô lưu trữ trong kho được 6 tháng còn khi ép thành dầu lưu trữ được 3 năm”. Về câu hỏi có bao nhiêu diện tích mới được hợp tác trồng Sachi? Khi hợp tác có được chịu tiền giống rồi trừ vào sản phẩm không? ông Hùng giải đáp: “Phải xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đủ rộng chúng tôi mới hợp tác. Cty sẽ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sản phẩm, trong đó giống sẽ được nợ một phần rồi trừ vào sản phẩm (tùy theo quy mô của sự hợp tác).Với mức tổng đầu tư khoảng 50-150 triệu/ha (tùy mật độ và hình thức cọc bê tông hay cọc tre) theo tính toán trong hai năm người trồng Sachi sẽ hoàn vốn còn từ năm thứ ba sẽ cho lãi hàng trăm triệu một cách ổn định. Hiện nay Cty Cổ phần Sacha Inchi Việt Nam đang định hướng sản xuất và chế biến Sachi theo chuỗi giá trị khép kín, hữu cơ, bao tiêu đầu ra và có quy hoạch. Trước tiên, Cty sẽ hướng tới thị trường quốc tế với mong muốn xây dựng được một doanh nghiệp mang biểu trưng thương hiệu quốc gia./.

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 11
  • Lượt xem theo ngày: 7056
  • Tổng truy cập: 3855099