Một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam
BBT:BBT: Xin giới thiệu tiếp phần III:Một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam của bài viết nhan đề là "Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy phát triển nông nghiệp hưu cơ " của PGS.TS.Nguyễn Xuân Hồng

Phần III

Một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Có thể nói vấn đề mấu chốt để phát triển sản xuất NNHC không phải là kỹ thuật mà là vấn đề chính sách và quản lý sản xuất. Chính phủ và các Bộ, Ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm hoàn thiện và ban hành các chính sách cụ thể, khả thi để thúc đẩy, tạo động lực cho NNHC phát triển và các quy định pháp luật để quản lý. Trước mắt, cần tập trung giải quyết một số nội dung cơ bản sau:

1) Khẩn trương xây dựng và ban hành Chiến lược (hoặc Đề án) phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Cần xác định rõ tiềm năng và dự báo được xu thế phát triển NNHC trên Thế giới và ở nước ta, xác định các vùng sản xuất chính, có lợi thế và sản phẩm chủ lực và định hướng thị trường cho sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ của Việt Nam, trên cơ sở đó qui hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước tại các vùng hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm để đáp ứng yêu cầu và phát huy thế mạnh sản xuất NNHC theo hướng hàng hóa.

2) Hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi trong giao và cho thuê đất và miễn giảm thuế thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm NNHC.

3) Phần lớn các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiềm năng của Việt Nam đều nằm ở các vùng khó khăn về giao thông, điều kiện bảo quản, tạm trữ, chế biến không thuận lợi. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng cho chế biến phân bón hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học BVTV tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất NNHC.

4) Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm. Thị trường là động lực quan trọng nhất cho phát triển NNHC, Chính phủ cần giao Bộ Công thương qua hệ thống thương vụ tìm hiểu thị trường, yêu cầu về chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu nông sản hữu cơ để giúp các doanh nghiêpọ tìm kiếm đối tác, ký kết các hợp đồng xuất khẩu.

5) Sản xuất NNHC cũng cần các yếu tố đầu vào đảm bảo. Do vậy, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc sinh học, thảo mộc bảo vệ thực vật cũng cần được quan tâm hỗ trợ trong sản xuất.

6) Quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực KHCN và khuyến nông về NNHC, tăng cường vai trò của Hiệp hội NNHC Việt Nam trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về NNHC.

7) Mở rộng và phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nguồn lực, hỗ trợ phát triển thị trường, kiểm soát chất lượng và phát triển NNHC.

8) Khẩn trương xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NNHC.

Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan sớm tham mưu trình ban hành Nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Nghị định cần quy định những nội dung trọng tâm như: yêu cầu đối với thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ và được dán nhãn” hữu cơ”; điều kiện và thẩm quyền chỉ định các tổ chức chứng nhận thực phẩm hữu cơ; quy trình chứng nhận, logo quốc gia được dán trên bao gói thực phẩm hữu cơ; thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn và trách nhiệm quản lý thực phẩm hữu cơ của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trên cơ sở Nghị định nói trên cần rà soát, bổ sung, sửa đổi TCVN 11401:2015 quy định cụ thể yêu cầu đối với từng nhóm sản phẩm hữu cơ (trồng trọt, chăn nuôi, mật ong, nấm ăn…); quy định rõ những loại vật tư đầu vào bị cấm và các chất được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nên xem xét công nhận và quy định phạm vi đối với hình thức chứng nhận PGS (hệ thống đảm bảo cùng tham gia) do IFOAM đề xuất, đặc biệt đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ để đa dạng hoá hình thức chứng nhận, đảm bảo sự minh bạch, trung thực, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Quy định pháp luật về quản lý sản xuất, chứng nhận, dán nhãn… sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ của Việt Nam vừa phải đảm bảo các nguyên tắc của NNHC, có tính khả thi và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, vừa phải hài hoà với quy định của các nước trên Thế giới và trong khu vực. Chúng ta có thuận lợi là có thể tham khảo các tài liệu hướng dẫn của IFOAM, nghiên cứu các quy định pháp luật, tiêu chuẩn của các nước đi trước, đồng thời ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp, trang trại đã và đang sản xuất thực phẩm hữu cơ được cấp chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của các nước phát triển. Cần tổ chức khảo sát, tổng kết thực tiễn trong nước thời gian qua, tập hợp trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất, các tổ chức phi Chính phủ trong nước và Quốc tế có liên quan, kế thừa và tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng một hành lang pháp lý vững vàng và hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển NNHC, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ở nước ta ./.

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 15
  • Lượt xem theo ngày: 1655
  • Lượt xem theo tháng: 27953
  • Tổng truy cập: 3500366