NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN - 5. Thuận lợi, khó khăn và một vài đề xuất chính sách phát triển - Hội Làm vườn Việt Nam

NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN 5. Thuận lợi, khó khăn và một vài đề xuất chính sách phát triển

BBT: Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) của Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển KTTH nói chung, nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) nói riêng là con đường tất yếu. Bên cạnh nhiều thuận lợi, còn rất nhiều khó khăn khi triển khai trong thực tiễn, đồi hỏi cần có các chính sách đột phá...

THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN , MỘT VÀI ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH

TRONG PHÁT TRIỂN

TS. Phạm Đồng Quảng - Hội Làm vườn Việt Nam ( tổng hợp)

1.Thuận lợi

a) Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đến 2030

           Ngày 7/6/2022 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH).

          - Đề án đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, nghành liên quan trong phát triển NNTH, một bộ phận quan trong của KTTH ở nước ta:

           + Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình NNTH. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp. 

           + Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án áp dụng NNTH trong phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, vật tư đầu vào nhằm giảm suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

           + Thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân, các tổ chức, từng hộ nông dân vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn; Các mô hình tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, thủy hải sản).

           + Tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, KTTH trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nghiên cứu đề xuất triển khai chương trình mỗi xã nông thôn mới một mô hình KTTH.

           Đây sẽ là cơ hội và động lực để các hội thành viên của Hội Làm vườn Việt Nam tiếp tục phát triển, hoàn thiện, nhân rộng các mô hình kinh tế VAC gắn với xây dựng nông thôn mới, vì các mô hình V-A-C, V-A, V-C...rất phù hợp với nguyên tắc của NNTH.

 b) KTTH nói chung, NNTH nói riêng đã và đang nhận được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội

           Bởi vì NNTH đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất ( giảm tiền phân bón vô cơ, thức ăn cho vật nuôi…do tái sử dụng, tái chế chất thải, phụ phẩm), hiệu quả bảo vệ môi trường ( giảm phát thải, giảm ô nhiễm; bảo vệ sức khỏe đất, động thực vật, con người và hệ sinh thái…) và hiệu quả xã hội ( xóa đói, giảm nghèo; môi trường sống trong lành...).

c) Hội nhập quốc tế vừa là động lực vừa là áp lực chuyển đổi nền kinh tế

           Cam kết của Việt Nam tại COP26 - 2022 và 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã ký kết có yêu cầu cao về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải, sử dụng năng lượng tái tạo. Đó vừa là tiền đề, động lực và cơ hội để Việt Nam chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

d) Nhiều TBKT, công nghệ mới, kinh nghiệm quốc tế áp dụng trong NNTH

           Nhiều TBKT, giải pháp công nghệ mới được áp dụng trong NNTH ví dụ như công nghệ Biogas cải tiến; các chế phẩm vi sinh trong ủ thức ăn chăn nuôi, ủ phân bón hữu cơ, xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…; công nghệ đệm lót sinh học; máy ép phân, dụng cụ thu gom rơm rạ …

2. Khó khăn

a) Thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình KTTH trong nông nghiệp, phát triển nông thôn chưa hoàn thiện, thậm chí còn gây khó khăn ( ví dụ, quy chuẩn nước thải chăn nuôi, thủy sản; điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ…).

b) Nông dân, doanh nghiệp vẫn ăn sâu thói quen vận hành sản xuất theo kinh tế tuyến tính, tạo ra giá trị ngắn hạn, thiên về khai thác tài nguyên đất, nước và thâm canh cao để đạt doanh thu cao nhất, chưa quan tâm nhiều lợi ích đến xã hội và môi trường, tạo ra những giá trị dài hạn.

c) Nguồn lực đầu tư cho phát triển NNTH còn thiếu và yếu: đầu tư cho KHCN, tuyên truyền, đào tạo, khuyến nông và hỗ trợ xây dựng các mô hình NNTH còn rất hạn chế, phân tán; nông dân, doanh nghiệp thiếu vốn, rất ít được đào tạo, tập huấn, hiểu biết về NNTH còn rất hạn chế... Trong khi đó, đây là phương thức sản xuất mới, cần nhiều vốn, TBKT, công nghệ mới…

d) Thị trường cho các sản phẩm NNTH sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững (GAP), tiêu chuẩn hữu cơ chưa được quản lý chặt chẽ, minh bạch nên một bộ phận người tiêu dùng chưa thật tin tưởng, trong khi chuyển sang làm NNTH, NNHC cần chi phí lớn, nhất là giai đoạn chuyển đổi ban đầu

đ) Chi phí vốn, nhân công để thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải, phế phụ phẩm trong NNTH còn lớn so với thu nhập, khả năng đầu tư của nông dân, doanh nghiệp.

e) Mối liên hệ giữa trang trại/người trồng trọt và trang trại/người chăn nuôi rất lỏng lẻo, hầu hết các trang trại chăn nuôi thì không trồng trọt; trang trại trồng trọt thì không có chăn nuôi…

3. Một vài gợi ý chính sách

- Theo bà Sonnema - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan, quốc gia hàng đầu thế giới trong phát triển NNTH nêu kinh nghiệm của Hà Lan trong phát triển NNTH: vai trò, nguồn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân là quan trọng nhất. Chính phủ không đầu tư nhiều mà chủ yếu hỗ trợ hệ thống kiến thức và đầu vào cho nông dân, tạo cơ chế pháp lý thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư. Chính phủ có thể hỗ trợ các khoản vay cho thanh niên và nông dân đầu tư mới, những công cụ, công nghệ mới để nông dân, DN thực hiện đầu tư. Hà Lan có “tam giác vàng” là nền tảng tạo sự thành công, đó là Chính phủ - nông dân/DN- nhà nghiên cứu; hệ thống nghiên cứu tốt, sự trao đổi hai chiều với nông dân, DN. Nông dân, DN có thể trao đổi trực tiếp các vấn đề gặp phải để nhà nghiên cứu xem xét cách thức giải quyết, kiến thức sẽ được cung cấp theo hình thức đa chiều…

- Theo PGS. TS. Bùi Bá Bổng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT tại Hội thảo quốc tế “Phụ phẩm nông nghiệp - Nguồn tài nguyên tái tạo” của Bộ NN&PTNTngày 28/9/2022: Đối với doanh nghiệp và trang trại, chính sách cần nhất là được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng, kịp thời và có quỹ đất phù hợp để đầu tư lâu dài trong phát triển NNTH .

 - TS.Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT tại Diễn đàn “Lộ trình hướng tới nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 22/4/2022: “Cần tiến tới luật hóa để phát triển tái chế, tái sử dụng phế phụ phẩm và tài nguyên. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi cho các dự án kinh tế tuần hoàn với sự hỗ trợ về vốn, tiếp cận tín dụng, công nghệ, thị trường; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp. Cùng với đó là đầu tư nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu mô hình kinh tế tuần hoàn, truyền thông nâng cao nhận thức và thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm” .

 

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 11
  • Lượt xem theo ngày: 3150
  • Tổng truy cập: 3814115