PHÂN BÓN HỮU CƠ - 3. Ủ phân hữu cơ (compost) tại nhà - Hội Làm vườn Việt Nam

PHÂN BÓN HỮU CƠ 3. Ủ phân hữu cơ (compost) tại nhà

BBT: Lượng rác thải hữu cơ từ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày là rất lớn, đang bị chôn lấp, đốt rất lãng phí. Gần đây, ở nhiều địa phương, phong trào phân loại rác tại nguồn đang được triển khai mạnh mẽ và sắp tới sẽ là quy định bắt buộc trong Luật Môi trường sửa đổi. Đây là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất phân hữu cơ tại chỗ. Hiện nay, nhiều nơi đang khuyến khích các hộ gia đình ủ rác sinh hoạt bằng thùng ủ hoặc xây hố ủ ( ở vùng nông thôn) để sản xuất phân hữu cơ tại nhà, vừa có phân hữu cơ bón cho rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả... vừa bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống, gắn với xây dựng đô thị văn minh, nông thôn đổi mới.

Ủ phân hữu cơ compost tại nhà

   TS. Phạm Đồng Quảng- Tổng Thư ký VACVNA ( tổng hợp)

           1. Chuẩn bị dụng cụ ủ phân tại nhà

           1.1. Thùng ủ phân

           - Trên thị trường đang bán nhiều loại thùng nhưng về cơ bản đều bằng nhựa, nguyên tắc chung là thùng có cửa mở lấy phân rộng khoảng 25cm, vách đục những lỗ nhỏ cách đều nhau nhằm tạo độ thông thoáng khi ủ phân và có vòi để lấy nước ủ chẩy ra:         

            + Thùng của shopee VN đang bán có chiều dài x rộng x cao (cm): 21.5 x 40 x 21.5, thể tích 15L, màu săc: xám đậm, làm từ nhựa PP cao cấp, thời gian sử dụng có thể 6-8 năm…       

            + Thùng ủ phân EcoClean làm bằng nhựa HDPE, hình trụ tròn, dung tích 50 lít, vách thùng khoan nhiều lỗ nhỏ cách nhau 10 cm -15 cm đều nhau có tác dụng thông khí giúp cho độ thông thoáng tốt, phân ủ nhanh. Hai bên thành thùng gần mép đáy thùng được khoan 2 cửa vuông khoảng 20 – 30 cm vuông để lấy phân thành phẩm.

           - Riêng thùng nhựa của Công ty NN hữu cơ Eco có đường kính: 380 mm, chiều cao: 585 mm, dung tích: 50 lít, chất liệu: thựa HDPE, Màu sắc: thùng xanh – nắp đen, có vòi dưới đáy nhưng không có cửa lấy phân, vì ngoài chế phẩm vi sinh còn sử dụng lớp phân trùn quế dưới đáy thùng để xử lý nước rác, giảm mùi.

           - Có thể mua thùng nhựa và tự chế thành thùng ủ phân theo hướng dẫn trên.  Ngoài ra, có thể tận dụng các thùng xốp, thùng nhựa, thùng sơn, thùng gỗ... để ủ rác thải hữu cơ tại nhà. Lưu ý, cần đục các lỗ nhỏ dưới đáy hoặc 2 bên sát đáy thùng cho nước rỉ ra, có thể hứng nước rỉ đó hòa loãng với nước để tưới cây trồng.

         1.2. Xây hố ủ phân

           Đối với vùng nông thôn, lượng rác thải, nguyên liệu ủ lớn, nên xây dựng hố ủ theo một trong hai cách như sau:

         a) Hố ủ âm đất: Chọn nơi cao ráo, không ngập nước, không để nước mưa ngấm vào hố và xa chỗ sinh hoạt gia đình, đào hố sâu khoảng 1m so với mặt đất, miệng hố rộng 60cm, đáy hố 40 cm, phía trên miệng hố xây gạch hoặc làm bờ xi măng nhỏ xung quanh rồi làm nắp đậy bằng tôn hoặc gỗ đậy kín không để chuột, côn trùng vào phá và tránh nước mưa ngấm vào hố. Ưu điểm của làm hố theo cách này là tiết kiệm chi phí, dễ dàng gỡ bỏ khi cần lấy đất cho mục đích công việc khác hoặc chuyển đổi vị trí hố ủ khi cần thiết. Nhược điểm là nếu không chọn chỗ cao ráo nước rất dễ ngấm vào hố ủ phân.

20211207_101837_001 (450 x 338)

       b) Hố ủ nổi trên mặt: Hố được xây bằng gạch, kích thước: cao 1m x dài 1,2 - 1,4 m x chiều rộng 0,8m. Hố được làm 2 ngăn để khi ngăn này đầy rác hữu cơ ta ủ ngăn khác, các ngăn đều có lỗ lấy phân ở phía trước kích thước 30x30cm hoặc 30x40cm tùy vào kích thước hố ủ. Nền hố có rãnh nhỏ xung quang để nước rỉ ra trong quá trình ủ phân để nước được thoát ra ngoài theo lỗ lấy phân. Phía trước cửa lấy phân có thể làm nền rộng khoảng 40 cm để thuận tiện cho việc lấy phân ra. Phía trên phủ bạt kín hoặc đậy bằng tấm lợp fibro xi măng tránh nước mưa. Ưu điểm của xây hố nổi là thuận tiện hơn trong việc ủ phân và lấy phân. Nhược điểm là không thể di chuyển địa điểm và tốn một ít chi phí xây dựng (khoảng 300.000 đồng).

20211207_101341 (400 x 300)

      (Theo Hội Nông dân Hà Tĩnh, đến tháng 7/2020 toàn tỉnh đã có 17.200 hố ủ phân hộ gia đình các loại)

 

          2. Nguyên liệu ủ

           - Rác thải sinh hoạt hữu cơ: thức ăn thừa, vỏ hoa quả, gốc rau, vỏ trứng, bã chè, bã cà phê, xác động vật, giấy vụn, bìa carton, lá khô, ngũ cốc hỏng…

           - Phân, nước giải động vật ( lợn, gà, trâu, bò..)

           - Tàn dư thực vật: thân lá, gốc rễ cây, trấu, vỏ quả, rơm rạ, cỏ, mùn cưa…

           - Các chế phẩm ( men) vi sinh kích thích quá trình ủ, khử mùi...( thường bán kèm khi mua thùng ủ).

 

IMG_1636637918347_1637335657413 (640 x 480)

Hội Làm vườn tỉnh Long An tổ chức tập huấn ủ phân hữu cơ bằng thủng ủ

            3. Kỹ thuật ủ phân

           3.1. Sử dụng thùng ủ ( triển khai ở vùng đô thị với rác thải sinh hoạt

          a) Sử dụng men vi sinh:

           - Lớp dưới cùng có thể sử dụng đất hoặc mùn cưa với độ dày khoảng 5 – 10cm. Cắt nhỏ rác thải và trộn với chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn ( ví dụ, EcoClean Compost với tỷ lệ 5 kg rác: 10 gram vi sinh) hoặc pha chế phẩm vào nước và phun đều vào nguyên liệu ủ. Dùng tay bóp để kiểm tra độ ẩm của hỗn hợp. Nếu có nước rỉ ra thì cần cho thêm nguyên liệu khô để hút ẩm như mùn, lá khô. Nếu hỗn hợp chưa dính chặt thì cần thêm nước để tạo độ ẩm. Còn nếu bóp thấy dính chặt thì đạt yêu cầu về độ ẩm. Cho lượng rác đã trộn vi sinh vào thùng ủ. Phía trên đổ thêm lớp đất hoặc mùn, vừa tránh ruồi nhặng vừa hạn chế mùi hôi. Đảo trộn và kiểm tra nhiệt độ của rác trong thùng cách 3 – 5 ngày 1 lần để đảm bảo nhiệt độ tối ưu khoảng 50 – 60 độ C.

           - Nếu có rác thải phát sinh thêm, có thể đổ trực tiếp rác thải lên mẻ ủ trước, bổ sung  thêm chế phẩm vi sinh trộn đều và phủ lên một lớp đất hoặc mùn cưa.

           - Lưu ý: Không nên xếp quá đầy thùng, cần để lại khoảng trống từ 5 – 7 cm để có sự đối lưu không khí trong thùng.

           - Trong quá trình ủ có thể phát sinh nước rỉ rác, chúng ta có thể tận dụng để tưới cây ( pH thấp, cần pha loãng) hoặc đổ ngược vào thùng nếu hỗn hợp trong thùng thiếu độ ẩm.

           - Sau khoảng 20 – 30 ngày, lấy lớp phân dưới cùng được phân huỷ qua cửa bên dưới thùng ủ.

           b) Sử dụng men vi sinh và phân trùn quế: Cho lớp phân trùn quế dưới đáy thùng ủ ( nước rác chảy qua lớp phân trùn này sẽ được vi sinh trong phân trùn xử lý và giảm mùi hiệu quả), sau đó cho rác hữu cơ lên trên và phun đều chế phẩm vi sinh pha loãng vào chai. Tiếp tục cho rác mới và phun vi sinh. Nếu có mùi thì rải lớp đất khô 2-3 cm hoặc lớp phân trùn mới lên trên. Sau khoảng 1 tháng, gạt phân rác phía trên, lấy phân phía dước đã hoai để bón cho rau, hoa, cây ăn quả.

          Công ty NN hữu cơ Eco còn có giải pháp trồng rau trên tháp rau. Tháp cao 115cm, đường kính 55cm, có 6 tầng và 54 hố trồng rau. Cho đất phù xa và trùn sinh khối (trùn và phân trùn cùng thức ăn) cho vào lõi tháp. Gieo hạt giống vào các hốc tháp. Rác thải hữu cơ từ nhà bếp như: gốc, lá rau, vỏ hoa quả, bã trà, bã cà phê…, thả vào lõi tháp. Trùn quế ăn và thải phân ra đất, như một một nhà máy sản xuất phân nhỏ, cung cấp trực tiếp cho cây rau.

           3.2. Sử dụng hố  ủ ( đang triển khai ở vùng nông thôn Hà Tĩnh, Thanh Hóa…)

           Rác thải sau khi được thu gom vào hố được trộn đều với chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn trên bao bì ( ví dụ, chế phẩm Emuniv: pha theo tỷ lệ 2 thìa vi sinh, 10 thìa đường, 1 lít nước sạch) giúp quá trình ủ diễn ra nhanh hơn, khử mùi hôi của rác thải, ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn mầm bệnh có hại.

           Sau khoảng 3-4 ngày, ta tiến hành đảo trộn và kiểm tra độ ẩm, nếu bóp thấy rác dính chặt, không có nhiều nước rỉ ra thì độ ẩm đạt yêu cầu. Sau 30-40 ngày, lượng rác thải đã được ủ thành phân hữu cơ tơi xốp, màu đen không mùi và có thể đưa vào sử dụng bón cho các loại cây cảnh, cây ăn quả.

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 22
  • Lượt xem theo ngày: 685
  • Tổng truy cập: 3856286