Phương án quy hoạch nêu rõ, giai đoạn đến năm 2020, tổng diện tích trồng Mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên là khoảng 9.940ha. Cụ thể, vùng trồng thuần tập trung khoảng 2.350ha, dự kiến vùng Tây Bắc 1.800ha, vùng Tây Nguyên 550ha. Trồng xen canh với cây trồng khác khoảng 7.590ha, chủ yếu là trồng xen canh trong diện tích cây cà phê, chè…

Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển cây Mắc ca đến năm 2030 khoảng 34.500ha, gồm 7.000ha trồng tập trung và 27.500ha trồng xen, trong đó, vùng Tây Bắc 4.800ha trồng thuần và 3.250ha trồng xen; vùng Tây Nguyên 2.200ha trồng thuần và 24.250ha trồng xen. Tuy nhiên, cần căn cứ vào kết quả tổng kết, đánh giá hiệu quả cây Mắc ca giai đoạn đến 2020, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương định hướng quy mô sản xuất cho từng tỉnh cụ thể; khuyến khích người trồng Mắc ca tập trung đầu tư theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để cây Mắc ca phát triển bền vững.

Về cơ sở sơ chế, chế biến, giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngoài các cơ sở sơ chế, chế biến,  hiện có tại các địa phương, quy hoạch 12 cơ sở chế biến Mắc ca công suất từ 50-200 tấn/cơ sở tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Cụ thể, vùng Tây Bắc có 6 cơ sở, vùng Tây Nguyên 6 cơ sở.

Về các giải pháp thực hiện, trên cơ sở quy hoạch phát triển cây Mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030, các tỉnh trong vùng lập quy hoạch chi tiết phát triển cây Mắc ca trên địa bàn; tiếp tục nhập nội, nghiên cứu, chọn tạo các dòng, giống Mắc ca mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Hoàn thiện các gói kỹ thuật về thâm canh Mắc ca, đồng thời đẩy nhanh chuyển giao cho người trồng. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan, cán bộ nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ về cây Mắc ca./.