Mặc dù bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, giá cả các loại vật tư đầu vào tăng cao, Hội Làm vườn (HLV) từ huyện đến xã chưa có cán bộ chuyên trách…, nhưng trong nhiệm kỳ III (2009 - 2014), HLV tỉnh Bắc Giang đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong việc kiện toàn tổ chức Hội, xây dựng mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Trước thềm Đại hội đại biểu khóa IV (2014 - 2019), phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang về phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ III, HLV tỉnh Bắc Giang đã gặp khó khăn, thuận lợi gì, thưa ông?.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh, sự quan tâm của Trung ương HLV Việt Nam, công tác Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại của Bắc Giang đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ để kinh tế VAC, kinh tế trang trại phát triển, giúp hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, đầu tư thâm canh. Đặc biệt, năm 2011, HLV tỉnh Bắc Giang được công nhận là Hội đặc thù, tạo điều kiện cho Hội hoạt động hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi diễn biến phức tạp, giá các loại vật tư đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất của hội viên và nông dân. Trong khi đó, việc phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại phần lớn còn mang tính tự phát, nhận thức của hội viên còn hạn chế, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, giá và thị trường tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân.
Đặc biệt, hội viên còn thiếu vốn để đầu tư sản xuất; phần lớn đội ngũ cán bộ Hội từ huyện đến xã đều kiêm nhiệm, chưa được hưởng phụ cấp; công tác tuyên truyền về xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa VAC, trang trại theo tiêu chuẩn VietGAP của ngành chức năng chưa kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi cung cấp ra thị trường.
Ông có thể cho biết một số kết quả mà HLV các cấp trong tỉnh đạt được 5 năm qua?
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong nhiệm kỳ III, HLV tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, HLV các cấp đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp với các ngành, tổ chức Hội, triển khai các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó chú trọng đến phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết liên tịch của giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với HLV các cấp trong tỉnh.
5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức được 1.540 buổi tuyên truyền cho 57.980 lượt người tham dự, tăng 47,5% so với nhiệm kỳ trước; in ấn, phát hành 25.970 bộ tài liệu, giúp cán bộ, hội viên nâng cao kiến thức kỹ thuật. HLV tỉnh cũng mở 2.895 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới 155.680 lượt hội viên.
Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội luôn được quan tâm thường xuyên nên tăng cả về số lượng hội viên và chất lượng hoạt động. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã kết nạp được 14.092 hội viên, đưa tổng số hội viên toàn tỉnh lên 49.706 người, tăng 140,9% so với đầu nhiệm kỳ. Đến nay, đã có 213/230 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội, 1.618 chi Hội cơ sở, 10/10 huyện, thành phố có tổ chức HLV, số cơ sở Hội hoạt động khá đạt 80%. Quỹ của các cơ sở Hội tăng hàng năm, được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội được thực hiện định kỳ, kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất từ cơ sở.
HLV tỉnh cũng kịp thời quan tâm tới công tác thi đua khen thưởng, đánh giá xếp loại các phong trào, từ đó biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại và xây dựng Hội vững mạnh. Nhiệm kỳ 2009 - 2014, HLV tỉnh đề nghị Trung ương HLV Việt Nam tặng 125 bằng khen cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Năm 2012, cơ quan thường trực HLV tỉnh Bắc Giang được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua khối hội đặc thù; Trung ương HLV Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc 2008 - 2013.
Bên cạnh đó, Thường trực HLV Bắc Giang đã phối hợp với các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề, hướng dẫn hội viên và nông dân cải tạo vườn, ao hồ , đưa những giống cây trồng - vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào nuôi, trồng; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: ghép cải tạo vải thiều, ứng dụng kỹ thuật thụ phấn cho cây na dai, tham gia xây dựng quy hoạch đề án nông thôn mới cấp xã, tham gia hiến đất làm đường, đề xuất các giải pháp thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch, góp phần giúp hội viên giảm nghèo và làm giàu bền vững.
Từ phong trào của Hội, các mô hình kinh tế mới đã nở rộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11.689 mô hình trang trại, trong đó có 454 mô hình đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đến năm 2013, cả tỉnh có 7.911 mô hình có thu nhập từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/năm; 267 mô hình đạt thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Từ đây, đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2013 xuống còn 10,5%, thực hiện thắng lợi chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ những kết quả trên, ông có thể rút ra bài học gì trong quá trình phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại và củng cố tổ chức Hội?
 |
Nuôi gà đồi Yên Thế theo tiêu chuẩn VietGAP, một mô hình thành công của Bắc Giang
|
Có thể khẳng định, nhiệm kỳ III, HLV tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, công tác xây dựng tổ chức Hội, phong trào làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại đã có bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Các cấp Hội cơ sở không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tinh thần tự lực tự cường, tính năng động, sáng tạo trong sản xuất, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác Hội ngày càng được củng cố, nâng cao về chất lượng, góp phần giúp hoạt động của các cơ sở Hội ngày càng tốt hơn.
Qua đây, HLV tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm quý: Thứ nhất, phải bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa vào chương trình hoạt động hàng năm sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của Hội. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh xây dựng tổ chức Hội và chỉ đạo phong trào, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên; tăng cường việc kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các phong trào thi đua của Hội từ cấp cơ sở; làm tốt công tác thi đua khen thưởng, từ đó kịp thời động viên, kích lệ cán bộ, hội viên...
Ông có thể cho biết phương hướng, mục tiêu HLV tỉnh Bắc Giang đề ra trong nhiệm kỳ tới?
HLV tỉnh Bắc Giang là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, lại được tỉnh công nhận là Hội đặc thù, do đó phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ IV phải phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh từ nay đến năm 2020. Theo đó, trong nhiệm kỳ này, các cấp Hội tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, hội viên theo tinh thần Chỉ thị số 17- CT/TW của Bộ Chính trị. Phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, cải tạo vườn, ao hồ, chuồng trại, sử dụng giống cây trồng - vật nuôi có chất lượng, liên kết sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện có hiệu quả 3 nội dung của Nghị quyết liên tịch giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và HLV tỉnh về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giai đoạn (2013 - 2020) nhằm thúc đẩy phát triển VAC, kinh tế trang trại bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Về những mục tiêu cụ thể, phấn đấu hàng năm có trên 80% đơn vị HLV các huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn vững mạnh, không có đơn vị xếp loại yếu, HLV tỉnh đạt tiêu chuẩn vững mạnh xuất sắc. Mỗi năm kết nạp mới 1.000 hội viên trở lên; trong nhiệm kỳ kết nạp được ít nhất 3 đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông, lâm nghiệp, tham gia hội thành viên của HLV tỉnh. Mỗi HLV cấp huyện, thành phố xây dựng được tối thiểu 1 câu lạc bộ trang trại theo thế mạnh của địa phương.
Hàng năm thực hiện đạt và vượt kế hoạch phối hợp công tác về tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình, tham quan học tập mô hình và công tác truyền thông giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với HLV. Phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp trong tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác có liên quan trên địa bàn.
Đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, phấn đấu mỗi HLV cấp xã có ít nhất 1 mô hình sản xuất tiêu biểu. Hàng năm thực hiện tốt công tác tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến ở các cấp Hội.
Xin cảm ơn ông. Chúc Đại hội đại biểu HLV tỉnh Bắc Giang khoá IV, nhiệm kỳ 2014 - 2019 thành công tốt đẹp.
Hoàng Văn (thực hiện)