OLXTOTO OLXTOTO https://curso.phytosavon.com/ https://dev.curo.art/ https://oldshop.exatis.be/ https://fabo.beonline.xyz/ OLXTOTO Situs Togel Online situs toto Situs Togel Online OLXTOTO OLXTOTO Togel Online OLXTOTO Slot gacor OLXTOTO OLXTOTO Togel Online
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM NĂM 2010 VÀ XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI NĂM 2011 - Hội Làm vườn Việt Nam

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM NĂM 2010 VÀ XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI NĂM 2011

Ngày 29-30 tháng 3 năm 2011, tại TP Đà Nẵng, Hội Làm vườn Việt Nam đẫ tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ 3 Nhiệm kì V. GS.TS Ngô Thế Dân, Phó Chủ tịch Hội đẫ đọc bản báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động Hội trong năm qua, kiểm điểm lại việc triển khai các nhiệm vụ đã xác định ở Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội mở rộng vào tháng 3 năm 2010 được tổ chức tại TP. Ninh Bình.

BÁO CÁO KIỂM ĐIỂM

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM NĂM 2010 VÀ XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI NĂM 2011

(Trình bày tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ 3 Nhiệm kì V tổ chức tại TP Đà Nẵng từ ngày 29-30 tháng 3 năm 2011)

I. ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NĂM 2010

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của cả nước được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái, nhưng nền kinh tế nước ta đã sớm thoát ra khỏi tình trạng suy giảm và đạt mức tăng trưởng khá cao. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, dịch vụ tăng 7,5%. Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 đạt khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD.

Năm 2010 là năm ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh... song kinh tế nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra. Theo Tổng cục Thống kê tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp và PTNT đạt 2,8% (năm 2009 đạt 1,83%). Giá trị sản xuất toàn ngành ước tăng 4,7 %, bình quân tăng 4,9% (mục tiêu kế hoạch là 4,5%) trong giai đoạn 2006-2010. Đóng góp vào sự thành công này, phải kể tới sự nỗ lực của nông dân và cả hệ thống ngành nông nghiệp. Năm 2010 cũng là năm ngành nông nghiệp đạt được kim ngạch xuất khẩu cao trên nhiều mặt hàng chủ lực. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục với 19,15 tỉ USD, tăng trên 22% so với năm 2009. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt gần 10 tỉ USD, tăng hơn 24%; thủy sản đạt gần 5 tỉ USD, tăng trên 16%; lâm sản và đồ gỗ đạt hơn 3,6 tỉ USD, tăng gần 30%.

Cũng như ngành nông nghiệp nói chung, năm 2010 hoạt động của Hội Làm vườn cũng có nhiều khó khăn và thách thức: Thiên tai, bão lụt xảy ra trên diện rộng, giá cả vật tư cho sản xuất tăng, hàng hóa nông sản phải cạnh tranh quyết liệt với các hàng nhập nội... nhưng cũng là năm phong trào phát triển kinh tế VAC đạt được nhiều thành tựu về sản xuất và xuất khẩu đóng góp vào thu nhập của khu vực kinh tế nông thôn và góp phần quan trọng thực hiện chương trình Xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn.

II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NĂM 2010

Tình hình kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam. Báo cáo này là tổng hợp tình hình hoạt động Hội trong năm qua, kiểm điểm lại việc triển khai các nhiệm vụ đã xác định ở Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội mở rộng vào tháng 3 năm 2010 được tổ chức tại TP. Ninh Bình.

1. Về phát triển phong trào làm VAC ở các địa phương

- Hưởng ứng phong trào “Thi đua làm VAC giỏi” của Ban Chấp hành Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam: trong năm qua các Hội Làm vườn ở địa phương phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn trong năm như kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng... đã đạt được nhiều thành tích. Theo báo cáo của 39 tỉnh thành phố, trong năm 2010 đã cải tạo 15.418 ha vườn tạp, trồng mới được 8.276 ha cây ăn quả, mở rộng thêm nhiều diện tích nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng kinh tế, xây dựng được hàng trăm vườn tình nghĩa, tình thương. Các loại mô hình VAC tiêu biểu ở các địa phương đã phát triển từ những năm trước vẫn tiếp tục phát huy tác dụng tốt như mô hình tổ chức sản xuất xoài thâm canh ở Đồng tháp, mô hình vườn sinh thái du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, mô hình phát triển VAC trên đất cát thực hiện xoá đói, giảm nghèo ở Quảng Nam, Bình Định, mô hình phát triển nhãn Idol và điều khiển nhãn ra hoa trái vụ ở Đồng Tháp, mô hình phát triển nhãn chín muộn kéo dài thời vụ thu hoạch 2-3 tháng ở Khoái Châu (Hưng Yên)...Mô hình thâm canh cam, bưởi Diễn ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho thu hoạch 600 triệu đồng/ha. Đặc biệt ở một số tỉnh miền núi vốn là những tỉnh nghèo nhưng đã có những hộ gia đình là hội viên Hội Làm vườn nhờ phát triển kinh tế VAC đã có thu nhập tới 150 triệu đồng/ năm như hầu hết các hộ gia đình ở xã Đồng Tiến (Lạng Sơn).

- Về đào tạo, tập huấn: Các hội và chi hội địa phương đã tích cực tham gia vào chương trình đào tạo và tập huấn cho nông dân. Hoạt động này đã có đóng góp rất tích cực vào việc thực hiện mục tiêu đào tạo mỗi năm 1 triệu lao động nông thôn như Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh Hội đã tích cực tham gia phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động và Thương binh - xã hội... Thực hiện nhiều dự án đào tạo, tập huấn về chuyển giao công nghệ cho nông dân bằng nhiều nguồn vốn dạy nghề khác nhau. Cũng theo Báo cáo của 39 Hội Làm vườn ở các địa phương, năm 2010 đã tổ chức tham quan, tập huấn được 338.762 lượt người tăng thêm gần 70% so với năm 2009. Một số điển hình như: Hội làm vườn Phú Thọ, Quảng trị, Quảng Nam, Bà Rịa- Vũng Tàu, Phú Yên, Lào Cai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Thanh Hoá, Bắc Giang, Thái Nguyên... đã tổ chức đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình với hàng chục ngàn người/năm đã giúp cho nhiều người nông dân biết cách hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một số Hội được địa phương, Trung ương giao kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kĩ thuật như: Hội làm vườn Quảng Bình được tỉnh giao gần 1 tỉ đồng thực hiện chương trình dạy nghề và nuôi giun quế, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kĩ thuật cho Trung tâm dạy nghề. Hội Làm vườn Thái Nguyên thu được 400 triệu đồng từ dịch vụ chuyển giao khoa học - kĩ thuật. Hội Làm vườn Hà Giang được Sở Lao động Thương binh xã hội giao 400 triệu đồng để cho nông dân vay vốn phát triển VAC, xoá đói giảm nghèo. Hội Làm vườn Bình Thuận được Liên Hiệp Hội KHKT Việt Nam giao 1 tỉ đồng thực hiện chương trình chống sa mạc hoá bằng phát triển VAC, xây dựng 28 mô hình hộ và trang trại có hồ chứa nước tưới để trồng trọt .

- Với những thành tích trên trong năm 2010 Trung ương Hội đã tặng bằng khen cho 98 cá nhân, Chi hội và Hội Làm vườn địa phương và 3 cờ thi đua về phát triển VAC cho Hội Làm vườn cho 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai và Vĩnh Long. Ngoài ra nhân dịp hội nghị tổng kết về công tác Hội Làm vườn của các tỉnh, UBND các địa phương cũng tặng hàng trăm bằng khen cho các hội và chi hội. Tại Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất do UBND tỉnh Tiền Giang đăng cai tổ chức có hàng chục Hội Làm vườn các tỉnh và cá nhân là cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, chủ trang trại, chủ vườn được tôn vinh nhận cúp vàng trái cây Việt Nam như Hội Làm vườn Việt Nam và Hội Làm vườn các tỉnh: Hà nội, Đồng Tháp, Tiền Giang...

Nhìn chung việc thực hiện cuộc vận động phát triển phong trào VAC ở các địa phương trong năm qua đã có những chuyển biến tích cực, các cấp Hội đã năng động và nắm bắt cơ hội để phát triển hơn các năm trước.

2. Về hoạt động của Trung ương Hội và các đơn vị trực thuộc Trung ương.

Theo Báo cáo của các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội, trong năm 2010 các đơn vị đã đạt được một số thành tích sau:

2.1. Ban Phát triển VAC và dư án (Trung ương Hội) đã thực hiện triển khai dự án: Dự án Khuyến nông VAC “Xây dựng mô hình trồng thâm canh CAQ và chăn nuôi an toàn” đã thực hiện ở 16 tỉnh, trồng mới được 157,9 ha CAQ, rau và trồng 51 ha cây lâm nghiệp, nuôi 13 nghìn con gà, vỗ béo 738 con bò thịt. Tập huấn cho 210 học viên ở 7 tỉnh là Thái Bình, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Đồng Tháp, Bình Dương và Đắc Nông với kinh phí thực hiện gần 2 tỉ đồng.

- Triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ về “Giảm nghèo bền vững” thực hiện ở hai tỉnh Bắc kạn và Quảng Bình. Hỗ trợ nông dân trồng mới 21 ha ngô lai, nuôi 3250 con gà. Kinh phí thực hiện 500 triệu đồng.

- Là năm thứ hai Đề tài “ Ghép nhãn trên vải và ghép lê nhằm duy trì thu nhập cuả hộ gia đình trồng cây ăn quả ở tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng. Đề tài đã hoàn thành theo đúng tiến độ và nội dung. Kết quả nghiên cứu thành công phương pháp ghép nhãn trên vải và quy trình sản xuất giống lê đã cho phép ứng dụng trong sản xuất ở địa phương. Kinh phí thực hiện 450 triệu đồng.

2.2. Trung tâm dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA: Thực hiện được hợp đồng với Tổng cục Dạy nghề ( Bộ Lao động và Thương binh - xã hội) mở được 42 lớp hệ trung cấp, đào tạo được 1.680 học viên về nuôi trồng thuỷ sản và đào tạo hệ sơ cấp cho 597 học viên thuộc 18 xã nghèo thuộc các tỉnh miền núi là Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Bắc Giang. Trung tâm còn tổ chức tập huấn 16 lớp cho 340 học viên, tổ chức tham quan mô hình cho 700 người và xây dựng 7 mô hình về nuôi trồng thuỷ sản ở 7 xã thuộc các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang và Hải Dương. Tổng số kinh phí đã thực hiện được trong năm 2010 là 2,2 tỉ đồng.

2.3. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng Nông thôn (CCRD) thực hiện được 4 Dự án gồm: (1) Dự án Phát triển biogas theo định hướng thị trường ( ETC, do Hà Lan tài trợ) thực hiện ở 3 huyện Tân Kì, Thanh Chương, Nam Đàn ( Nghệ An) (2) Dự án Chương trình giám sát tái định cư cho dự án truyền tải điện miền Bắc (Tập đoàn điện lực Việt Nam tài trợ) (3) Dự án Hỗ trợ mô hình xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi và vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm Quốc gia NS&VSMT nông thôn) và (4) Dự án Nghiên cứu phản biện Chính sách sản xuất, quản lý và tiêu thụ rau an toàn (VECO tài trợ).

Kết quả thực hiện các dự án trên đã xây dựng được 42 mô hình trình diễn ở 21 xã, phát triển được 220 hầm biogas. xây dựng thí điểm về xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi, nghiên cứu phản biện các chính sách sản xuất, quản lý và tiêu thụ rau an toàn, thiết kế chương trình dạy nghề cho nông dân thực hiện đã đóng góp vào việc xây dựng hệ thống nông nghiệp sinh thái và an toàn.

2.4. Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Nông nghiệp sạch đã thực hiện một số đề tài: (1)Phục tráng nâng cao chất lượng lúa TNDB-100 ở Sóc Trăng, (2)Nghiên cứu một số giải pháp phát triển vườn rau cây thuốc bản địa dân dã theo hướng sản xuất dược tính an toàn ở Đồng bằng sông Cửu Long, (3) Mô hình nông nghiệp hữu cơ tích hợp sạch ở Bạc Liêu với công nghệ sản xuất trùn quế /chế phẩm sinh học EM là những mô hình công nghệ tác động cả hệ thống VACR nhằm cải thiện hoạt động sản xuất trong nông hộ nhằm giảm tối đa sử dụng phân bón hóa học và thuốc sát trùng được áp dụng thành công ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

2.5. Trung tâm Phát triển Nông thôn (CRP) đã thực hiện một số hoạt động sau: (1) Dự án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX” được triển khai tại Thanh Hoá và các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long (2), Dự án “Thí điểm Chương trình đa dạng sinh học” thực hiện tại 8 trường phổ thông ở Hà Nội, Hải Phòng, (3) Cung cấp dịch vụ tư vấn cho Bộ kế hoạch Đầu tư về quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 có sự tham gia ở 3 tỉnh Điện Biên, Ninh Thuận và Đồng Tháp.

Kết quả thực hiện các dự án trên Trung tâm đã tư vấn với các cơ quan quản lý đóng góp vào việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương và cả nước, đào tạo và nâng cao nhận thức về hành vi của cộng đồng về duy trì đa dạng sinh học.

2.6. Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nguồn lực Nông thôn Việt Nam đã thực hiện một số hoạt động sau:

- Kết hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp tuyển sinh và đào tạo 1450 học sinh, bố trí xắp xếp công việc cho 250 lao động làm việc tại các nhà máy.

- Kết hợp với Hội Nông dân các tỉnh thực hiện Chuyển giao khoa học kĩ thuật và Dự án “Phát triển nông thôn” ở 120 xã ở 6 tỉnh : Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình và Nam Định.

- Tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn nông sản các loại cho nông dân

3. Về công tác xây dựng và củng cố tổ chức Hội.

Về phát triển tổ chức Hội, Chi hội và hội viên vận động phát triển VAC của Hội làm vườn địa phương đã đóng góp tích cực vào phong trào chuyển đổi cơ cấu sản xuất tăng thêm thu nhập cho nông dân, nâng cao dân trí và kiến thức đã có sức cuốn hút người dân gia nhập Hội ngày một nhiều. Theo báo cáo của 39 Hội làm vườn các tỉnh, trong năm 2010 số hội viên tăng thêm 23 ngàn người (trên 4 %) so với năm 2009. Những tỉnh có số hội viên tăng trên 2 ngàn người/năm gồm: Bắc Giang, Bình Định ... đưa tổng số hội viên năm 2010 của cả nước lên trên 800 ngàn hội viên.

Quy mô kinh tế hộ gia đình được mở rộng và nhiều hộ phát triển thành các trang trại quy mô ngày càng lớn. Nhu cầu hợp tác để trao đổi thông tin kinh nghiệm làm ăn ngày càng tăng nhu cầu lập Câu lạc bộ Trang trại ngày càng bức xúc. Ở một số tỉnh đã lập Câu lạc bộ Trang trại như: Thanh Hoá, Quảng Bình, Hà Giang, Bắc Giang. Những Câu lạc bộ Trang trại này làm tốt khâu cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và cung cấp dịch vụ vật tư kĩ thuật và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho các trang trại hội viên Hội Làm vườn và nông dân trong vùng.

Trong năm 2010 đã có 7 tỉnh xúc tiến đại hội nhiệm kì và làm các thủ tục để được UBND tỉnh cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận như: Cao Bằng, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long và Đắk Lắk. Các Ban chấp hành mới bầu ra đã xây dựng quy chế làm việc, xúc tiến củng cố tổ chức hội cấp huyện, xã và các chi hội cơ sở. Vai trò của Hội làm vườn ở nhiều địa phương được đánh giá cao và được hỗ trợ ngân sách hàng năm cho hoạt động của Hội. Mặc dù Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam chưa được xếp là Hội có tính đặc thù trong năm 2010, nhưng hầu hết các Hội hàng năm vẫn được địa phương phân bổ biên chế hoặc Sở Nông nghiệp và PTNT cử cán bộ biệt phái sang làm việc ở Hội Làm vườn và được chính quyền địa phương hỗ trợ hàng trăm triệu đồng từ ngân sách hàng năm để hoạt động như: Bắc Giang được hỗ trợ 450 tr, Quảng Bình 405 tr, Trà Vinh 249 tr, Cao Bằng 244 tr/ năm....

Hoạt động của Ban chấp hành Hội ở các cấp đều được duy trì và có nhiều nội dung thiết thực. Trung ương Hội vẫn duy trì họp Ban thường vụ 6 tháng/lần tổ chức tổng kết hoạt động năm và xác định nhiệm vụ trọng tâm cho năm sau. Cơ cấu Ban chấp hành Trung ương Hội có đổi mới, đã làm thủ tục bổ sung thêm 4 uỷ viên Ban chấp hành TW Hội trong đó có 2 chủ trang trại hoặc là những người làm VAC giỏi tiêu biểu như: ông Phan Hữu Hiện (chủ trang trại trồng nhãn ở Cao Lãnh-Đồng Tháp), ông Nguyễn Mạnh Tuyển (chủ trang trại cây ăn quả Chí Linh-Hải Dương) và 2 ủy viên Ban chấp hành là Giám đốc của các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội. Điều này đã giúp Ban chấp hành Trung ương Hội hoạt động năng động và thiết thực hơn.

Việc triển khai làm thủ tục để Hội Làm vườn xã phường có đủ tư cách pháp nhân theo tinh thần của Điều lệ bổ sung sửa đổi năm 2009 đã được Bộ Nội vụ phê duyệt đã được xúc tiến. Nhiều Hội cấp xã đã có con dấu và tài khoản tạo điều kiện hoạt động của Hội được thuận lợi hơn. Ở một số tỉnh như Bình Định, Hà Giang, Bình Thuận... đã tổ chức gây quỹ vốn và có điều kiện sử dụng tín dụng của Ngân hàng Chính sách hoặc khai thác vốn từ các dự án quốc tế như: Hội làm vườn Bình Thuận, Hội làm vườn Bình Định...

Việc xúc tiến in ấn phát thẻ Hội viên cùng loại thống nhất trên quy mô cả nước đã được thực hiện. Các tỉnh đã tổ chức tốt việc phát thẻ là: Hà Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang ... khác với các lần phát thẻ trước, lần phát thẻ này từ khâu phân phối thẻ đến tổ chức phát cho hội viên thực hiện rất trang trọng, nghiêm túc được dư luận trong Hội đồng tình hoan nghênh và là dịp nâng cao thêm ý thức trách nhiệm Hội viên.

Các văn bản pháp lý của Nhà nước ban hành trong năm cũng đã tạo cơ hội tốt cho việc củng cố và phát triển Hội. Sau khi có Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 của Chính phủ, Hội Làm vườn Việt Nam đã có kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Nội vụ đề nghị xếp Hội Làm vườn Việt Nam là Hội có tính đặc thù và kèm theo “ Báo cáo thành tựu 25 năm hoạt động của Hội”. Nhưng đến nay chưa được Chính phủ chấp nhận với lý do trước khi ban hành Nghị định 45 Hội Làm vườn Việt Nam chưa được Nhà nước giao biên chế như điểm C điều 1 của Nghị định này và từ trước đến nay Hội Làm vườn Việt Nam vẫn tự lo được kinh phí hoạt động..

Ngày 1/11//2011 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 68/2010/QĐ-TTg về việc Quy định Hội có tính đặc thù. Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND và Giám đốc Sở Nội vụ các tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị xếp Hội làm vườn các tỉnh là hội đặc thù của địa phương trên cơ sở vận dụng điểm a, điểm b, điểm c của mục 2 của Điều 1 về cơ sở xác định hội có tính đặc thù. Chưa đầy một tháng sau khi phát hành văn bản trên đã có nhiều Hội cấp tỉnh được xem xét hoặc xếp là Hội có tính đặc thù, sớm nhất là Hội Làm vườn Quảng Bình và Hội Làm vườn Bắc Giang. Việc được xếp là Hội có tính đặc thù có ý nghĩa quan trọng, là sự thừa nhận vai trò của Hội trong việc đóng góp cho sự nghiệp phát triển Kinh tế - xã hội của địa phương, được Nhà nước giao biên chế hỗ trợ, kinh phí và điều kiện hoạt động. Vì vậy đề nghị các hội cấp tỉnh, huyện cần phải củng cố phát triển tổ chức, hoạt động tích cực thể hiện được vai trò của mình để được xếp là Hội có tính đặc thù.

4. Đánh giá chung về kết quả hoạt động năm 2010 và những tồn tại:

* Về ưu điểm.

1). Nhìn chung phong trào phát triển kinh tế VAC trên phạm vi cả nước vẫn phát triển và được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả nơi không có tổ chức hoạt động của Hội làm vườn. Điều này chứng tỏ phát triển VAC do Hội đề xuất và vận động được xã hội chấp nhận là một trong những giải pháp không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nhằm tăng thêm giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích góp phần thực hiện mục tiêu Xoá đói giảm nghèo và làm giàu.

Điều nổi bật lên trong phong trào làm kinh tế VAC năm 2010 là nhận thức của Lãnh đạo địa phương đã thấy được sự cần thiết phải xây dựng vùng chuyên canh rau quả để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện đất đai khí hậu của nước ta. Tiêu biểu là TP. Cần Thơ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đã có chủ trương thu hẹp đất trồng lúa, lập vườn chuyên canh. Trong 10 năm tới (đến năm 2020) sẽ giảm 15.600 ha đất lúa so với 2010 trong đó mở rộng vùng rau chuyên canh ven đô thị 11.000 ha theo hướng sử dụng công nghệ cao, lập vườn chuyên canh cây ăn quả 26.000 ha, trong đó khôi phục 13.500 ha vườn cây có múi.

2). Việc tập huấn tuyên truyền sản xuất VAC theo qui trình VietGap (thực hành nông nghiệp tốt) đã trở thành phong trào rộng khắp ở nhiều địa phương. Trung ương Hội Làm vườn cũng như các Hội địa phương đều khai thác được các loại nguồn lực, mở nhiều lớp đào tạo về VietGap. Báo kinh tế Nông thôn cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội cũng thường xuyên tuyên truyền các mô hình VAC có áp dụng quy trình VietGap. Đây là một hoạt động thiết thực thực hiện mục tiêu sản xuất sản phẩm VAC sạch hướng đến khách hàng tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng phù hợp với xu thế hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

3) Hoạt động dạy nghề cho nông dân theo chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn cũng được mở rộng. Trung tâm dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA cũng như các Trung tâm dạy nghề của Hội Làm vườn các tỉnh đã tổ chức được nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho hội viên và nông dân.

4) Ngoài nội dung phát triển kinh tế VAC, trong năm 2010 Hội Làm vườn Việt Nam và Hội Làm vườn các cấp ở địa phương còn tích cực tham gia vào nhiều hoạt động phát triển công nghệ hầm khí Biogas VACVINA cải tiến, phát triển công nghệ vệ sinh môi trường nông thôn, tuyên truyền giáo dục luật cho cộng đồng, tham gia hoạt động từ thiện, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Ngày vì người nghèo”.

5) Trong năm 2010 Hoạt động Thường trực Trung ương Hội và Ban Thường vụ Trung ương Hội thực sự là trung tâm vận động phát triển của cả hệ thống Hội. Ban Thường trực Trung ương Hội tổ chức được 5 cuộc giao ban hoạt động Hội ở các vùng sinh thái, phối hợp với đối tác tổ chức được lễ khởi xây dựng Trụ sở văn phòng làm việc của Trung ương Hội. Thường trực Trung ương Hội đã tiếp cận kịp thời các chủ trương chính sách của Nhà nước để vận dụng vào thực tiễn của Hội mình cụ thể khi có Nghị Định 45 về Hội và Quyết định 68 của Chính phủ về Hội đặc thù, Ban Thường trực Trung ương Hội đã đề xuất với Chính Phủ và Lãnh đạo địa phương về việc xếp Hội Làm vườn là Hội có tính đặc thù. Khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về công tác Khuyến nông thực hiện theo dự án, Trung ương Hội đã xây dựng dự án để tham gia đấu thầu và đã trúng thầu dự án. Trên cơ sở đó đã lồng ghép hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam vào chương trình làm việc tạo ra nguồn lực mới cho Hội.

* Về tồn tại:

1) Tổ chức hoạt động Hội ở các địa phương hoạt động chưa đồng đều và vẫn còn khoảng 40% số tỉnh Hội hoạt động yếu, vị thế mờ nhạt và việc xếp vào Hội có tính đặc thù sẽ khó khăn.

2) Việc tiếp cận với Lãnh đạo địa phương để củng cố và phát triển tổ chức Hội ở những tỉnh mới chia tách như: Điện Biên, Lai Châu và một số tỉnh Hội khác hoạt động chưa mạnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Tây Ninh ...và việc xây dựng văn bản trình Ban Bí thư ra chỉ thị về tăng cường và phát triển Hội làm vườn triển khai còn chậm so với chương trình, kế hoạch đặt ra.

III. XÁC ĐỊNH MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI NĂM 2011.

Năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển 10 năm (2011-2020), triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và là năm thứ 3 triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 07(khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mục tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp trong năm 2011 là: Nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì mức tăng trưởng cao để góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh. Triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện điều kiện sống nhất là người nghèo. Hội là tổ chức nhân dân là hội nghề nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn phấn đấu theo mục tiêu đặt ra của ngành nông nghiệp là trách nhiệm tất yếu của Hội. Nhưng do nguồn lực có hạn không thể tham gia vào tất cả các nhiệm vụ của ngành mà chỉ tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của Hội.Cụ thể nhiệm vụ cho năm 2011 là:

1. Tăng cường củng cố tổ chức Hội, đặc biệt là tổ chức hội ở cơ sở

Để thực sự trở thành lực lượng nòng cốt phong trào phát triển VAC ở nông thôn, các Hội và Chi hội ở các cấp cần rà soát củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ, thu nạp thêm người có tâm huyết với phong trào Hội, để Hội thực sự là cầu nối giữa hội viên với tổ chức Hội, giữa Hội với cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của địa phương.

- Tăng cường sinh hoạt các Hội và Chi hội, hướng tổ chức hội đi vào các hoạt động thiết thực như: Hình thành các nhóm sở thích, các Câu lạc bộ chuyên canh để chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, thị trường và giúp đỡ nhau trong việc ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

- Phát triển thêm Hội viên mới và các Chi hội ở các làng bản, xúc tiến Đại hội hết nhiệm kì theo đúng quy định của Điều lệ, xúc tiến phát thẻ Hội viên thống nhất cả nước ít nhất đạt 50% số Hội viên có thẻ mới.

- Củng cố tổ chức Hội, nâng cao vai trò của Hội trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để được UBND tỉnh xem xét và xếp vào hội có tính đặc thù của địa phương.

- Tiêp tục xúc tiến việc hoàn thành thủ tục tư cách pháp nhân của Hội Làm vườn xã, phường như: Có tài khoản và con dấu riêng để tạo thuận lợi cho công tác hội ở cơ sở.

2. Phát triển phong trào làm kinh tế VAC góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và từng bước làm giàu ở khu vực nông thôn.

- Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể và các ngành liên quan hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội ở các cấp tham gia thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tham gia thực hiện các đề tài/dự án đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân.

- Xây dựng thêm một số mô hình VAC xoá đói giảm nghèo ở vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo để làm điểm nhân ra diện rộng. Khôi phục và phát triển lại Chương trình Chống suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam như thông điệp “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển năm 2010” của FAO. Theo Thông điệp này hiện nay trên thế giới vẫn còn tới 90% trẻ em suy dinh dưỡng còi xương ở 36 nước trong đó có Việt Nam.

Theo Viện Dinh dưỡng Việt Nam chế độ ăn của trẻ em Việt Nam mới đạt 30-35% so với nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày vì vậy việc áp dụng kĩ thuật mới, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển VAC ở hộ gia đình tạo nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào giàu dinh dưỡng và an toàn “là biện pháp tốt chống suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam”. Để sản xuất ra đủ số lượng thực phẩm với gia đinh sống ở ngoại thành chỉ cần 20-25 m2 đất trồng rau, trồng 7-10 cây ăn quả, nuôi 7-10 con gà, và khoảng 20 m2 ao để phát triển VAC là có đủ nhu cầu về thực phẩm cho gia đình 5 người ( mức bình quân 1 người/tháng như sau: rau xanh: 9kg, quả chín: 1,2 kg, cá: 1,2 kg, thịt: 0,75 kg, trứng: 0,15 kg)

- Xây dựng thêm các mô hình VAC trang trại sản xuất hàng hoá có áp dụng quy trình VietGap và Global.GAP để có sản phẩm sạch có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, đối với sản phẩm CAQ là lợi thế so sánh của vùng như sản xuất thanh long, vải, nhãn, chuối, xoài, bưởi...

3. Triển khai các chương trình, dự án /đề tài đã được cấp có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương phê duyệt.

Để nâng cao hiệu quả của các dự án Khuyến nông, Chính phủ đã ban hành Nghị định Khuyến nông mới, thực hiện Khuyến nông theo dự án không phân bổ kinh phí như trước đây mà thực hiện theo cơ chế đấu thầu, chọn thầu thực hiện dự án. Hội Làm vườn Việt Nam đã trúng thầu 1 dự án thực hiện trong 3 năm, theo kế hoạch triển khai năm 2011 sẽ xây dựng 32 mô hình , 6 loại cây ăn quả ( bưởi, cam, dừa, nhãn, chuối, thanh long) ở 17 tỉnh trong cả nước với tổng diện tích của mô hình là 154 ha.

- Phối hợp với các tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ...) tạo điều kiện để các hội viên HLV tiếp cận được các vốn vay ưu đãi

- Tiếp tục triển khai chương trình khuyến nông VAC phần chăm sóc CAQ năm thứ 2 ở 4 tỉnh; Bình Thuận, Hà Nam, Sóc Trăng, Bắc Giang (kinh phí khoảng 200 triệu đồng).

- Tiếp tục triển khai 4 đề tài khoa học thuộc chương trình KHCN Nông nghiệp hướng đến khách hàng do ADB tài trợ Hội ở các địa phương tham gia.

- Tích cực tiếp cận Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ liên quan để được tiếp tục thực hiện chương trình 135, giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo nhất.

- Tham gia các chương trình phát triển nông thôn mới doTrung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng Nông thôn (CCRD) thực hiện. Kế hoạch từ năm 2011-2015 sẽ triển khai xây 30.000 hầm khí Biogas VACVINA cải tiến ở 12 tỉnh (đang trong giai đoạn làm thủ tục đấu thầu thực hiện dự án quốc tế do Hiệp hội Carbon quốc tế NEXUS chủ trì)

- Tăng cường công tác tuyên truyền phục vụ cho phát triển kinh tế VAC và trang trại thông qua trang Web của Hội, Báo kinh tế Nông thôn và các cuộc hội thảo, hội nghị do Hội làm vườn các cấp tổ chức.

- Triển khai đề tài thuộc chương trình Khoa học công nghệ hướng tới khách hàng do ADB tài trợ. Kinh phí khoảng 500 triệu đồng.

4. Về huấn luyện và dạy nghề cho nông dân

Theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 25 TW về “Nông nghiệp- Nông thôn - Nông dân” mỗi năm nhà nước cấp kinh phí dạy nghề nông nghiệp cho 300.000 nông dân và dạy nghề phi nông nghiệp là 700.000 nông dân. Để tham gia chương trình này Trung ương Hội đã phân công cho Trung tâm dạy nghề và chuyển giao công nghệ VACVINA là đầu mối.

Nhiệm vụ của Trung tâm là tiếp cận với chương trình dạy nghề và hướng dẫn các Hội địa phương về nghiệp vụ để các Hội địa phương có điều kiện tham gia, đồng thời trực tiếp làm nhiệm vụ dạy nghề VAC để rút kinh nghiệm. Theo kế hoạch năm 2011 Trung tâm sẽ tiếp tục liên kết với Trường cao đẳng Thuỷ sản mở lớp trung cấp nuôi trồng thuỷ sản khoảng 500 chỉ tiêu, phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức lớp sơ cấp dạy nghề VAC khoảng 600 chỉ tiêu.

Với việc lồng ghép các chương trình, dự án vào hoạt động đào tạo dạy nghề bắt đầu từ năm nay Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam sẽ mở 7 lớp dạy nghề VAC cho cán bộ làm công tác Hội và hội viên làm vườn ở 7 vùng sinh thái với 250 hội viên trong thời gian 8 ngày có cấp chứng chỉ học nghề với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Các Hội làm vườn địa phương cần tích cực tiếp cận với cơ quan quản lý xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo huấn luyện ngắn hạn cho hội viên và nông dân ở địa phương mình.

5. Về thông tin, tuyên truyền

Nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về hoạt động của Hội do Báo Kinh tế Nông thôn là đầu mối. Trong năm 2011 sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tuyên truyền sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, tuyên truyền quảng bá các hoạt động của các cấp Hội. Tiếp tục in ấn đều đặn 3 loại ấn phẩm của Báo Kinh tế Nông thôn là : Kinh tế nông thôn và Kinh tế nông thôn cuối tuần, mỗi tuần 1 số, 52 số/năm, Kinh tế VAC mỗi tháng 2 kì, cả năm 24 kì tập trung cho các hộ nông dân miền núi, Kinh tế nông thôn điện tử liên tục cập nhật thông tin trong ngày, đảm bảo thông tin nhanh, chính xác phù hợp với tôn chỉ mục đích của Hội và nhu cầu bạn đọc.

Để tuyên truyền nghiệp vụ làm VAC trong năm 2011 sẽ xuất bản cuốn sách “ Những kinh nghiệm hay trong nghề làm vườn” do các nhà khoa học của Hội làm vườn Việt Nam biên soạn, và phổ biến cuốn giáo trình “ Kĩ thuật VAC” trên trang Web của Trung uơng Hội. Các đơn vị trực thuộc và các Hội địa phương cần xúc tiến xây dựng trang Web như Hội Làm vườn TP. Hồ Chí Minh để phổ biến thông tin hoạt động của đơn vị mình. Các Hội Làm vườn địa phương cần tham khảo kinh nghiệm của Hội Làm vườn tỉnh Bình Định về việc ra Bản tin Hoạt động của Hội hàng quý để tuyên truyền vận động hội viên, nông dân làm kinh tế VAC.

6. Về thi đua khen thưởng:

Phong trào thi đua yêu nước làm kinh tế VAC giỏi năm 2011 do Trung ương Hội phát động sẽ hướng vào việc thực hiện đề án thi đua do TW Hội soạn thảo. Nội dung chính là Hội Làm vườn các cấp phát động và vận động thi đua

“ Người làm vườn giỏi - Chủ trang trại vàng” . Cuộc thi đua thực hiện trong 3 năm theo tiêu chí của Đề án, đơn vị cá nhân sẽ bình chọn từ dưới cơ sở và sau 3 năm sẽ tổ chức tổng kết cuộc bình chọn và có hình thức khen thưởng xứng đáng phù hợp với khả năng của Hội.

Đề án này sẽ gửi đến các đơn vị là các Hội thành viên để lấy ý kiến thống nhất, còn việc bình xét các hình thức khen thưởng thường niên vẫn tiến hành như đã làm.

IV. KẾT LUẬN.

Các kỳ họp hàng năm của Ban Chấp hành Trung ương Hội mở rộng là sinh hoạt thường kì của tổ chức Hội trong phạm vi cả nước với mục tiêu chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động và từ đó các cấp hội xác định nhiệm vụ cụ thể cho địa phương mình. Những nhiệm vụ do Trung ương Hội đề ra chỉ có tính chất thông tin hướng dẫn làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai chương trình hoạt động của Hội ở địa phương mình.

Trước tình hình kinh tế - xã hội đang diễn biến phức tạp “Bão giá và lạm phát” làm cho đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết Hội Làm vườn các cấp phải nâng cao trách nhiệm, đem hết tâm huyết giúp người nghèo phát triển kinh tế VAC, góp phần thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị Quyết Đại hội Đại biểu Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ V đã đề ra.

 

HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 14
  • Lượt xem theo ngày: 809
  • Tổng truy cập: 3684325