VƯỜN KIỂU MẪU - 8. Kết quả dự án “Xây dựng Mô hình Vườn mẫu phát triển kinh tế VAC theo hướng NNHC ở TDMN phía Bắc” - Hội Làm vườn Việt Nam

VƯỜN KIỂU MẪU 8. Kết quả dự án “Xây dựng Mô hình Vườn mẫu phát triển kinh tế VAC theo hướng NNHC ở TDMN phía Bắc”

TÓM TẮT KẾT QUẢ  DỰ ÁN

“Xây dựng Mô hình Vườn mẫu phát triển kinh tế VAC theo hướng NNHC 

ở một số tỉnh TDMN phía Bắc”

TS. Phan Văn Ngọc, GĐTrung tâm Nghiên cứu và Phát triển

cộng đồng nông thôn (CCRD), Hội LVVN

1. Tổng quan

Trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong phát triển nông nghiệp nhờ triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả và những diện tích gieo trồng lúa hàng năm không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả. Những sản phẩm đang có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước và giá trị thu được cao hơn trồng lúa. Các địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản để gia tăng giá trị... Nhờ đó, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng lên qua các năm, giá trị sản phẩm trên 1 hecta đất trồng trọt tăng từ 82,6 triệu đồng/ha năm 2015 lên 97,1 triệu đồng/ha năm 2019. Có thể thấy, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng hơn, nông sản của Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và kết nối với các thị trường giàu tiềm năng và có yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản...

Lịch sử canh tác hữu cơ đã hình thành từ lâu, song do cơ chế chính sách và thị trường tiêu thụ, khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế. Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Định hướng này có thể góp phần giúp cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm từ đó cải thiện thu nhập cho nông dân.

Tuy đã có nhiều tiến bộ trong áp dụng khoa học và kỹ thuật phát triển nông nghiệp, nhưng do nhiều áp lực tăng năng xuất và sản lượng do gia tăng dân số, và xu hướng hội nhập trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế của các nước trên thế giới, sản xuất nông nghiệp vẫn còn chủ yếu dựa vào khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ nên chưa tạo ra động lực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Điều này đã và đang dẫn đến những hệ luỵ về suy thoái, xuống cấp nguồn tài nguyên, gia tăng chất thải, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đây là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững nghành nông nghiệp nước ta. Trong bối cảnh này, nông nghiệp tuần hoàn là cách tiếp cận phù hợp cho phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới ở nước ta.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC) đã được áp dụng phổ biến tại Việt Nam từ những năm 1970 - 1980 có thể được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Những điểm mạnh của mô hình kinh tế VAC là tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất; đây là một mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, hạn chế chất thải ra môi trường, thuận theo tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn. Đây là điểm khác biệt lớn so với nền nông nghiệp truyền thống khi người sản xuất chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa năng suất, sản lượng; vứt bỏ sản phẩm sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải lớn gây ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Dự án đã giới thiệu mô hình Vườn mẫu phát triển kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ (Vườn mẫu) và sản xuất hàng hoá tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) thông qua việc đầu tư phát triển sản xuất những cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thế mạnh và tính cạnh tranh trên thị trường; áp dụng những tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất. Mô hình này đã được thí điểm tại tỉnh Hà Tĩnh và đã khẳng định được những điểm mạnh có thể khắc phục được những vấn đề trình bày trên đây, cụ thể là: (i) phát triển nông nghiệp hưu cơ (NNHC) sẽ đảm bảo duy trì lâu dài sức khỏe của đất, hệ sinh thái, khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích của con người, sản phẩm có chất lượng tốt hơn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; (ii) tập trung phát triển cây trồng, gia súc và gia cầm có thế mạnh về kinh tế của các vùng giúp thu nhập của người dân được cải thiện trung bình từ 50 – 60% so với sản xuất lúa; (iii) tổ chức kết nối nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm sẽ khắc phục hiện tượng sản xuất manh mún, hiệu quả thấp, bị ép giá; và (iv) mô hình Vườn mẫu được thiết kế đảm bảo hài hoà cảnh quan, tạo môi trường đáng sống và an toàn cho mọi người.

2.Thông tin cơ bản về Dự án

- Tên dự án: Xây dựng Mô hình Vườn mẫu phát triển kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng) theo hướng nông nghiệp hữu cơ ở một số tỉnh Trung du và miến núi phía Bắc.

- Thuộc Chương trình: Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

- Thời gian thực hiện: từ 1/2020 đến 12/2020, và được gia hạn đến tháng 06/2021.

- Địa bàn thực hiện dự án:

+ Xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên;

+ Xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang;

+ Xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

- Mục tiêu tổng quát: Xây dựng được mô hình vườn mẫu phát triển kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ được quy hoạch theo thiết kế 3D ở một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Điều tra thực trạng về tình hình sản xuất VAC, đánh giá hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, giảm thiểu chất thải, gắn với bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.

+ Xây dựng 09 mô hình vườn mẫu được quy hoạch theo thiết kế 3D theo các nhóm đặc trưng về địa hình, thổ nhưỡng, diện tích, loại hình sản xuất...

+ Xây dựng 09 mô hình chăn nuôi gà đồi đảm bảo sản phẩm sản xuất an toàn sinh học.

+ Xây dựng 03 mô hình liên kết tổ hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc theo mã định danh sản phẩm.

+ Kiến nghị chính sách và giải pháp phát triển mô hình vườn mẫu cho các tỉnh TD&MNPB nhằm nâng cao thu nhập của các gia đình, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường xanh sạch, đẹp.

3.Kết quả thực hiện dự án

a)Nội dung 1: Điều tra thực trạng về tình hình sản xuất VAC

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản. Đây là vùng còn nhiều tiềm năng về đất đai, lao động, và nhu cầu sản phẩm thị trường: 80% số hộ khảo sát có diện tích đất vườn từ 1.000 đến 10.000m2. Trên 70% các hộ sản xuất vườn đồi như trồng cây ăn quả và nuôi gia súc, gia cầm; số hộ nuôi trồng thuỷ sản chỉ chiếm dưới 30% do diện tích mặt nước tự nhiên không nhiều và rủi ro do thiên tai và dịch bệnh cao; chỉ có khoảng 20% số hộ đã áp dụng mô hình sản xuất VAC. Tuy nhiên, toàn bộ số hộ khảo sát chưa có quy hoạch/thiết kế vườn và khuôn viên.

Những khó khăn cản trở người dan phát triển kinh tế VAC bao gồm (i) thiếu vốn đầu tư; (ii) chưa tiếp cận thông tin khoa học và kỹ thuật; (iii) chưa đủ kinh nghiệm và khả năng quản lý sản xuất hàng hoá; và (iv) chưa chủ động được thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Đánh giá hiệu quả kinh tế của các loại hình VAC khu vực TD&MNPB:

Kinh tế VAC có tiềm năng rất lớn có thể đóng góp 50 - 60% cơ cấu thu nhập của hộ gia đình, thực tế thu nhập VAC gấp 5-10 lần sản xuất lúa truyền thống nhưng chưa được khai thác triệt để. Trong khuôn viên hộ gia đình còn thiếu quy hoạch, dẫn đến môi trường sống chưa được tốt và hiệu quả của sử dụng đất không cao.

Ở các tỉnh khảo sát, giá trị thu nhập từ cây ăn quả (bưởi, cam quýt, ổi, vải, na và nhãn) so với trồng lúa gấp 3-10 lần; đặc biệt cam quýt ở Yên Thuỷ (tỉnh Hoà Bình) gấp 20 lần. Thu nhập từ mô hình chăn nuôi cũng đạt mức trung bình so với các vùng khác: Hộ nuôi gia cầm có thu nhập bình quân 100-339 triệu đồng/hộ/năm; chăn nuôi lợn từ 48-115 triệu đồng/hộ/năm.Tuy nhiên, những tiềm năng này còn chưa được khai thác triệt để. Những hộ sản xuất vườn đạt được mức thu nhập này chỉ từ 17 - 20%.

- Hiệu quả xã hội của mô hình VAC khu vực TD&MNPB:

Điểm mạnh của mô hình VAC được đầu tư cây ăn quả có thế mạnh và chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học là góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập. Cụ thể mỗi vườn mẫu có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2 có thể tạo ra từ 7 - 10 đầu việc làm, trong đó có 3 – 4 việc làm tất cả các tháng trong năm và 5 – 6 đầu việc làm theo mùa vụ như thu hoạch và chăm sóc cây ăn quả. Như vậy, nếu có thể mở rộng từ 50 – 70% số hộ phát triển vườn mẫu theo đúng các tiêu chí của Dự án thì có thể giải quyết việc làm cho trên 80% lao động phổ thông trong độ tuổi của các xã. Điều quan trọng hơn là kinh tế VAC sẽ tạo ra việc làm cho các lao động phổ thông trong đó chủ yếu là phụ nữ ở các hộ gia đình ở nông thôn.

- Hiệu quả môi trường của các mô hình VAC khu vực TD&MNPB:

Các tỉnh vùng khảo sát đã có những chính sách và quy định cụ thể về bảo vệ môi trường, khuyến khích tăng cường nông nghiệp hữu cơ nhưng người sản xuất vẫn chưa có được đầy đủ thông tin và chưa được hướng dẫn đầy đủ về áp dụng vào sản xuất.

Phần lớn rác thải trong nông nghiệp chưa được xử lý: chỉ có 10-38% hộ có hầm Biogas để xử lý phân gia súc và gia cầm; 25 - 45% số hộ thực hiện ủ phân chuồng. Tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh vô cơ vẫn còn phổ biến: dùng phân bón hoá chất chiến tới 75%, thuốc trừ sâu bệnh vô cơ 70-90%, thuốc sinh học chỉ chiếm 17- 40%.

Người sản xuất chưa quan tâm duy trì độ che phủ chống sói mòn, giữ độ ẩm, tạo nguồn dinh dưỡng hữu cơ bổ sung cho đất. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm đã và đang gia tăng, ô nhiễm không khí và môi trường sống nói chung là vấn đề hiện hữu nếu không có biện pháp khả thi thay đổi thói quen sử dụng hoá chất nông nghiệp.

- Đánh giá thực trạng liên kết tiêu thụ sản phẩm VAC khu vực TD&MNPB:

Số liệu thống kê ở tầm quốc gia cho thấy mật độ doanh nghiệp của vùng này đang rất thấp, chỉ bằng 1/3 mật độ chung cả nước (Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 25/5/2021). Ở các tỉnh nơi thực hiện khảo sát hiện đã thành lập được một số hợp tác xã để tăng cường liên kết và và tiêu thụ sản phẩm, hoặc một số nhóm hộ gia đình liên kết với đại lý và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nhưng còn rất lỏng lẻo, chưa có các quy chế và phương thức hoạt động nên chưa có nhiều thành viên tham gia. Cụ thể các nhóm hộ sản xuất cây ăn quả liên kết chỉ chiếm 3-14,5%; Phương thức liên kết theo quy trình 3-39,3%; Phương thức theo đầu vào 7-23%, theo tiêu thụ sản phẩm 2,9-11,9%. Các gió dịch hàng hoá chủ yếu do các tư nhân thực hiện, điểm hình là các giao dịch và bán tại vườn chiếm 86-94%, và bán ở chợ.

b) Nội dung 2: Xây dựng 09 mô hình vườn mẫu

Dự án đã xây dựng được 9 mô hình VƯỜN MẪU nhưng chủ yếu có hai hợp phần Vườn và Chuồng. Các gia đình đều được khuyến cáo tiếp tục phát triển mô hình với đầy đủ các hợp phần vườn, ao, chuồng.

Các hộ gia đình được chọn xây dựng vườn mẫu đã thực hành rất tốt các kỹ thuật tạo chu trình chuyển hoá năng lượng và chất dinh dưỡng khép kín. Những thành công này đã giúp khai thác có hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên đất và nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, và giảm thiểu chất thải.

Thiết kế chi tiết của các mô hình Vườn mẫu như sau:

  • Các mô hình đều có quy mô diện tích trên 2,000m2, có Quy hoạch – thiết kế và bản vẽ 3D, làm hàng rào xanh, giàn cây leo, mái che sân vườn;
  • Sử dụng công nghệ làm đệm lót sinh học và sử dụng chất khử mùi sinh học cho khu chăn nuôi, giúp xử lý chất thải chăn nuôi, có nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng.
  • Sử dụng công nghệ ủ phân hữu cơ vi sinh từ các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra nguồn phân bón tại chỗ làm đất tơi xốp.
  • Sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm quả.
  • Sản phẩm sau thu hoạch sẽ được hướng dẫn sơ chế theo hình thức không sử dụng hóa chất.
  • Hiệu quả kinh tế tăng trung bình từ 18 – 23 % cho cả 9 mô hình so với sản xuất đại trà, các sản phẩm đã được kiểm nghiệm đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Toàn bộ sản phẩm quả na, bưởi được dán tem truy xuất nguồn gốc, có liên doanh bao tiêu 60 - 70% sản phẩm và bước đầu có kết nối với một số doanh nghiệp.
  • Khuôn viên gia đình đã được chỉnh trang theo bản vẽ thiết kế, với hàng rào xanh (200 mét/gia đình), dàn cây leo, mái che (60 m2 mỗi gia đình) tạo ra không gian hài hoà, thoáng mát, thuận tiện cho sinh hoạt, bước đầu tạo được không gian đáng sống.

Sở NN&PTNT của 3 tỉnh đã kiểm tra, đánh giá và ra văn bản tiếp nhận, công nhận là mô hình thí điểm và định hướng nhân rộng tại địa phương.

c) Nội dung 3: Xây 09 mô hình nuôi gà thả đổi an toàn sinh học

Các gia đình được chọn đều có vườn cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm, gia súc nên hoàn toàn có thể phát triển kinh tế VAC như đã trình bày ở Nội dung 2 trên đây.

Điều quan trọng là từng hộ được chọn đều có các thành phần của mô hình kinh tế VAC và đều áp dụng tốt nguyên lý của việc chu chuyển tuần hoàn chất dinh dưỡng và năng lượng của kinh tế VAC. Điều này đảm bảo tính đa dạng của các mô hình VAC để người dân có thể chọn phát triển tuỳ theo nguồn lực, năng lực quản lý và kinh nghiệm của từng gia đình.

Dự án đã thực hiện quy trình nuôi gà thả đồi an toàn sinh học dựa trên các nguyên tắc trong bộ TCVN 11041-2:2017 và nguyên tắc chăn nuôi gà an toàn sinh học. Cụ thể:

- Khu vực chăn nuôi của gia đình nuôi tối thiểu 000 con gà thả đồi, có diện tích đất không trực tiếp sản xuất để tạo ra sản phẩm/tổng diện tích đất vườn dưới 30%; có diện tích cây xanh trong vườn/tổng diện tích đất vườn trên 60%; và diện tích cây trồng cho sản phẩm chủ lực (cây ăn quả hoặc các loại cây có tán) để làm khu thả gà/tổng diện tích cây trồng trong vườn trên 50% để làm khu thả gà.

- Khu vực chăn nuôi có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác, có hố khử trùng và hạn chế người lạ ra vào. Định kỳ tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi.

- Khu vực chăn nuôi cách nhà ở tối thiểu 100 mét.

- Sử dụng các biện pháp kỹ thuật làm đệm lót sinh học, khử mùi hôi chuồng trại để xử lý chất thải chăn nuôi một cách an toàn.

- Sử dụng thức ăn tự phối trộn để chăn nuôi gà, đồng thời bổ sung thức anh giầu dinh dưỡng như giun quế tự nuôi.

- Sử dụng nước uống sạch.

- Định kỳ tiêm vacxin phòng bệnh cho gà, hạn chế sử dụng thuốc kháng

d) Nội dung 4: xây dựng 3 mô hình liên kết doanh nghiệp-nhóm hộ nông dân

Đã xây dựng và kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc theo mã định danh của sản phẩm với các hoạt động và kết quả cụ thể như sau:

  • 01 mô hình liên kết doanh nghiệp-nhóm hộ nông dân gồm 15 hộ nông dân sản xuất Na theo hướng NNHC với: (i) quy mô đạt 8,88 ha đảm bảo cung cấp ít nhất 118,2 tấn quả/năm; (ii) thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn ít nhất 21,2% so với sản xuất đại trà tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái nguyên.
  • 01 mô hình liên kết doanh nghiệp-nhóm hộ nông dân gồm 14 hộ nông dân sản xuất cam, bưởi theo hướng NNHC với: (i) quy mô đạt 10,06 ha đảm bảo cung cấp ít nhất 371 tấn quả/năm; (ii) thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn ít nhất 21,5% so với sản xuất đại trà tại xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc
  • 01 mô hình liên kết doanh nghiệp-nhóm hộ nông dân gồm 20 hộ nông dân sản xuất bưởi theo hướng NNHC với: (i) quy mô đạt 12,5 ha đảm bảo cung cấp ít nhất 488,0 tấn quả/năm; (ii) thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn ít nhất 20% so với sản xuất đại trà tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa
  • Các Liên kết đều có quy chế, nội quy hoạt động chặt chẽ theo đúng quy định; Các thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện và cam kết tuân thủ đầy đủ nội quy, quy chế hoạt động và tuân thủ hợp đồng ký kết giữa các thành viên.
  • Việc thành lập các liên kết này có sự chứng kiến và công nhận của lãnh đạo chính quyền địa phương; đồng thời nhận được sự cam kết hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan quản lý, cơ quan dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.
  • Hỗ trợ thiết kế và in 500 tờ rơi/mỗi tổ hợp tác giới thiệu về sản phẩm chủ lực của địa phương. Tờ rơi được thiết kế bắt mắt với nội dung giới thiệu về sản phẩm đặc trưng của mỗi tổ hợp tác, quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng hữu cơ, địa chỉ/điện thoại của đại diện tổ hợp tác.

Dù mới chỉ được thành lập và bắt đầu thực hiện việc tiêu thu sản phẩm. Các nhóm thí điểm vẫn còn những khó khăn ở phía trước khi chưa hình thành được vùng sản xuất với trữ lượng sản phẩm đủ lớn để có thể hấp dẫn những doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Nhưng đây chính là điểm tháo gỡ những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm vốn đã tồn tại nhiều năm nên chắc chắn các gia đình phát triển vườn mẫu sẽ cam kết duy trì các liên kết.

e) Nội dung 5: Xây dựng Báo cáo kiến nghị Chính sách

Trên cơ sở nghiên cứu các (i) Tài liệu về chính sách, quy định ở cấp trung ương liên quan đã được áp dụng có tác động trực tiếp đến hỗ trợ phát triển vườn mẫu; (ii) Các báo cáo đánh giá các mô hình xây dựng vườn mẫu ở các địa phương trên cả nước; và (iii) Các báo cáo quá trình thực hiện mô hình vườn mẫu của dự án….và tiến hành các chuyến thăm hiện trường để trực tiếp thảo luận với chủ hộ tham gia xây dựng mô hình vườn mẫu của dự án; gặp gỡ, trao đổi với các chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để tìm hiểu, thu thập ý kiến đánh giá về các mô hình vườn mẫu và định hướng phát triển vườn mẫu ở các địa phương, Dự án đã dự thảo Báo cáo kiến nghị chính sách xây dựng mô hình vườn mẫu phát triển kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Báo cáo kiến nghị chính sách xây dựng vườn mẫu đã gắn với Chương trình NTM khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Trong đó, đề xuất các tiêu chí xây dựng vườn mẫu phát triển kinh tế VAC theo hướng hữu cơ phù hợp với điều kiện của khu vực TD&MNPB gắn với liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Báo cáo đã được Hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá đạt yêu cầu và Đơn vị chủ trì dự án đã gửi Báo cáo tới Văn phòng điều phối chương trình Nông thôn mới để xem xét tiếp nhận.

4. Đánh giá kết quả thực hiện mô hình vườn mẫu

Những thành công đạt được không chỉ giới hạn từ 5 nội dung đặt hàng, mà còn khẳng định được giá trị của vườn mẫu Nông thôn mới là phát triển kinh tế vườn với giá trị cao; tạo không gian và cảnh quan đẹp để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ của người dân; tạo việc làm có thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, đặc biệt là phụ nữ; và đảm bảo môi trường. Mục tiêu lớn hơn mà Dự án đã đạt được là thay đổi tư duy sản xuất manh mún của nông hộ, hướng đến giá trị phát triển kinh tế tuần hoàn.

Dự án đạt được sự bền vững và khả năng nhân rộng do việc phát triển vườn mẫu dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn của mô hình kinh tế VAC, bản thân các Vườn mẫu đã đảm bảo việc khai thác hiệu quả và bễn vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, mô hình kinh tế VAC đã và được phát triển hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế tuần hoàn – một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp trên thế giới hiện và tại nước ta hiện nay.

Về mặt khoa học và công nghệ, những điểm mới về áp dụng những tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất từ tự túc tự cấp sang sản xuất háng hoá, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ được giới thiệu đã giúp hạn chế tối đa những nhược điểm của mô hình kinh tế VAC truyền thống.

Dự án đặt ưu tiên hàng đầu việc nâng cao kiến thức, năng lực áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật cho các thành viên gia đình phát triển kinh tế vườn, đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong quá trình phát triển mô hình nuôi gà, cán bộ khuyến nông và cán bộ chính quyền địa phương. Các kiến thức này không chỉ có ích trong quá trình thực hiện dự án, mà chắc chắn sẽ ở lại với người sản xuất và sẽ được chính quyền và người dân địa phương tiếp tục duy trì và phát triển.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 đã mở rộng ra hầu hết các xã Vùng TD&MNPB, các mô hình vườn mẫu vì vậy cũng có điều kiện để mở rộng. Dự án đã khuyến cáo các xã vùng thực hiện tổng kết, tuyên truyền về kết quả thực hiện các mô hình; khuyến khích người dân chủ động trực tiếp trao đổi, học hỏi tại các vườn mẫu và trao đổi với các chủ hộ làm vườn mẫu về kinh nghiệm, cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vườn mẫu.

Những mô hình vườn mẫu mà Dự án hỗ trợ xây dựng trong trường hợp này không chỉ nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mà còn tạo ra địa điểm thăm quan học hỏi ‘trăm nghe không bằng một thấy’ – kênh truyên truyền tin tưởng nhất và nhanh nhất giữa những người sản xuất, đặc biệt với người dân ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc ít có điều kiện tiếp cận với thông tin kỹ thuật và thị trường; cách thức tuyên truyền này rất phù hợp với người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số với truyền thống sống gắn bó với cộng đồng.Từ đó, những cộng đồng được cho là ‘còn thiếu nhận thức’ sẽ mạnh dạn tham gia phát triển mô hình. Đây là điểm khác biệt của vùng Trung du và miền núi phía Bắc nơi có nhiều cộng đồng dân tộc đang sinh sống.

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 8
  • Lượt xem theo ngày: 376
  • Tổng truy cập: 3815253