XUẤT KHẨU RAU QUẢ - 2. MÃ SỐ CƠ SỞ ĐÓNG GÓI - Hội Làm vườn Việt Nam

XUẤT KHẨU RAU QUẢ 2. MÃ SỐ CƠ SỞ ĐÓNG GÓI

BBT: Nhiều nước như Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…yêu cầu nông sản (hiện tại mới bắt buộc đối với rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số thì mới được phép nhập khẩu chính nghạch.

YÊU CẦU ĐỐI VỚI  XUẤT KHẨU RAU QUẢ

2. MÃ SỐ CƠ SỞ ĐÓNG GÓI

TS. Phạm Đồng Quảng - Hội Làm vườn Việt Nam ( tổng hợp)

1. Khái niệm về mã số sơ sở đóng gói

- Theo TCSC: 775:2020 BVTV- Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói (CSĐG): Mã số cơ sở đóng gói (Packing House Code - PHC) là mã số định danh cho một cơ sở đóng gói, nơi tập kết của một loại nông sản. Tất cả các quá trình từ phân loại, sơ chế, bảo quản và đóng gói đều được thực hiện tại đây và thực hiện theo quy trình phù hợp với yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

- Mã số CSĐG do Cục Bảo vệ thực vật ( BVTV) cấp sau khi có sự chấp thuận của nước nhập khẩu.

- Cục BVTV đã xây dựng phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng, CSĐG được cấp mã số. Người quan tâm có thể truy cập vào phần mềm trên để biết danh sách vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số còn hiệu lưc.

2. Các nước nhập khẩu yêu cầu cấp mã số vùng trồng và mã số CSĐG

- Nhiều nước như Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…yêu cầu nông sản (đang bắt buộc đối với rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số thì mới được phép nhập khẩu chính nghạch vào nước họ. Riêng đối với EU, không bắt buộc cấp  MSVT, mã số cơ sở đóng gói đối với rau, hoa, quả tươi, tuy nhiên sẽ rất có lợi nếu các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện cấp mã số và giám sát sau khi được cấp vì EU có yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch thực vật (KDTV) và truy xuất nguồn gốc đối với nông sản nhập khẩu.

- Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc… có các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói được thể hiện trong các bản điều kiện nhập khẩu hoặc kế hoạch thực hiện (Workplan) đối với từng loại nông sản; có một số loại sản phẩm thì thực hiện theo một văn bản quy định chung. Đối với Trung Quốc, quy định trái cây xuất khẩu chính ngạch phải từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được Bộ Nông nghiệp &PTNT cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, được thông báo từ năm 2018 và bắt đầu chính thức áp dụng từ 2019.

3. Mục đích của việc cấp mã số CSĐG

           Đối với từng thị trường khác nhau, các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng, mã số CSĐG có thể khác nhau, nhưng đều giống nhau về mục tiêu là nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu.

- Truy xuất nguồn gốc: Trên bao bì sản phẩm có thông tin mã số VT, mã số CSĐG cơ sở đóng gói giúp cơ quan quản lý, người tiêu dùng biết được sản phẩm được sản xuất, đóng gói ở đâu; nếu có sự cố về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật sẽ biết được ai chịu trách nhiệm, lỗi ở khâu nào vì vùng trồng, cơ sở đống gói phải có sổ tay ghi chép chi tiết các hoạt động sản xuất, đóng gói sản phẩm.

- Kiểm dịch thực vật (KDTV): Theo quy định, từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói phải quản lý sinh vật gây hại và có biện pháp quản lý đối tượng sâu bệnh thuộc diện phải kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của nước nhập khẩu khi xuất hiện . Như vậy, việc kiểm dịch thực vật đã phải thực hiện xuyên suốt từ đồng ruộng đến khi sản phẩm được đóng gói.

- An toàn thực phẩm (ATTP): Yêu cầu CSĐG phải có hạ tầng, nước, trang thiết bị, dụng cụ, bao bì...đảm bảo quy định về ATTP; hóa chất sử dụng đúng danh mục, phù hợp yêu cầu nước nhật khẩu; có sổ tay ghi chép, hồ sơ quản lý quán trình sơ chế, đóng gói đâmt bảo ATTP... Như vậy, việc đảm bảo ATTP được quản lý từ quá trình sản xuất ban đầu đến đóng gói sản phẩm trước khi xuất khẩu.

4. Các yêu cầu đối với CSĐG (Theo  TCCS 775:2020/BVTV)

4.1. Yêu cầu chung

a) Đủ nguồn nước sạch, nguồn cung cấp điện, có hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định.

b) Bố trí đủ cơ sở vật chất cho việc tập kết, phân loại, sơ chế, bảo quản và đóng gói theo nguyên tắc một chiều, có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại tránh tái nhiễm và lây nhiễm chéo sinh vật gây hại.

c) Đủ trang thiết bị và phải được bảo quản và hiệu chỉnh định kỳ theo quy định của nước nhập khẩu

d) Các loại hoá chất sử dụng trong quá trình sơ chế, bảo quản và đóng gói phải nằm trong danh mục được phép sử dụng, sử dụng đúng nồng độ theo quy định hiện hành và tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.

đ) Bao bì, nguyên liệu dùng trong đóng gói phải sạch sẽ. Kích thước và thông tin trên bao bì đóng gói đáp ứng theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

e) Có đầy đủ hồ sơ ghi chép, sổ sách đầy đủ đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

4.2. Yêu cầu về hồ sơ

Cơ sở đóng gói cần xây dựng, ghi chép, lưu trữ và cập nhật định kỳ các loại hồ sơ chủ yếu sau:

a) Quy trình đóng gói (SOP): mô tả tất cả các chi tiết liên quan đến việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và đóng gói sản phẩm.

b) Hồ sơ nguồn gốc sản phẩm: khối lượng, mã số vùng trồng, thông tin khách hàng hoặc đơn vị xuất khẩu.

c) Hồ sơ kiểm soát sinh vật gây hại: ghi chép thường xuyên thời gian kiểm tra, danh sách sinh vật gây hại phát hiện được, số lượng cá thể phát hiện, địa điểm phát hiện, hóa chất suất đặt bẫy và mồi.

d) Hồ sơ theo dõi vệ sinh cơ sở đóng gói: cần ghi chép đầy đủ thời gian, khu vực, người thực hiện, hóa chất sử dụng và biện pháp quản lý chất thải.

đ) Các hồ sơ liên quan khác: hồ sơ nhân sự, hồ sơ tập huấn nội bộ, hồ sơ bảo vệ môi trường, hồ sơ phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật (nếu có)

 5. Thủ tục cấp, giám sát, thu hồi, hủy bỏ mã số vùng trồng

         Các thủ tục cấp, giám sát, thu hồi, hủy bỏ mã số CSĐG được thực hiện theo TCCS 775:2020/BVTV: Quy trình thiết lập và giám sát CSĐG và  yêu cầu của từng nước nhập khẩu. 

5.1. Cấp mã số CSĐG

-  Tổ chức, cá nhân gửi tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã số CSĐG và các thông tin cần thiết (theo mẫu của Cục BVTV) về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh ( TT & BVTV).

-  Kiểm tra đánh giá: Chi cục TT & BVTV kiểm tra thực địa để xác định mức độ đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn cơ sở cấp mã số CSĐG.

- Chi cục TT & BVTV gửi báo cáo kiểm tra CSĐG (đính kèm biên bản kiểm tra thực địa) về Cục BVTV đề nghị cấp mã số CSĐG nếu đạt yêu cầu hoặc hướng dẫn cơ sở khắc phục những tiêu chí chưa được và tiến hành kiểm tra lại.

- Cục BVTV sẽ rà soát hồ sơ; trường hợp cần thiết, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát ngẫu nhiên một số CSĐG trước khi cấp mã số và gửi thông tin chi tiết cho nước nhập khẩu. Tùy quốc gia và điều kiện cụ thể, nước nhập khẩu có thể phê duyệt thông qua kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực địa ( Mỹ...) hoặc kiểm tra trực tuyến ( ví dụ, Trung Quốc áp dụng đối với sầu riêng; Nhật Bản với nhãn do ảnh hưởng của covid 19). Sau khi được nước nhập khẩu chấp thuận, Cục BVTV sẽ thông báo và gửi mã số cho Chi cục TT & BVTV quản lý và giám sát CSĐG được cấp mã số.

5.2. Giám sát sau khi đước cấp mã số

Giám sát của Chi cục TT & BVTV ( tối thiểu 1lần/năm, gửi biên bản, báo cáo về Cục BVTV đề nghị duy trì, thu hồi hoặc hủy bỏ MSVT) ;

- Giám sát đột xuất của Cục BVTV (khi cần thiết).

- Một số nước nhập khẩu cũng quy định giám sát như: định kỳ 1 năm/lần (Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc 3 năm/lần (Úc, New Zealand)

5.3. Thu hồi, phục hồi và hủy bỏ MSVT

a) Thu hồi: Cục BVTV sẽ thu hồi MSVT trong các trường hợp sau: Cơ sở vi phạm không tuân thủ quy định của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu; tại cửa khẩu, cơ quan kiểm dịch thực vật phát hiện mã số giả, hay có gian lận trong sử dụng mã số; nếu cơ quan kiểm dịch thực vật phát hiện có sinh vật gây hại. Cục BVTV nhận được báo cáo sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất, thu hồi mã số dựa trên kết quả kiểm tra; kết quả giám sát định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất nếu cơ sở không đạt sẽ bị thu hồi mã số; cơ sở chỉ được khôi phục mã số khi có biện pháp khắc phục hiệu quả được Cục BVTV và nước nhập khẩu chấp nhận.

b) Phục hồi: Mã số CSĐG được phục hồi khi cơ sở có biện pháp khắc phục được Cục BVTV và nước nhập khẩu chấp thuận.

c) Hủy bỏ: Mã số CSĐG bị Cục BVTV hủy bỏ trong các trường hợp sau: Cơ sở không có biện pháp khắc phục khi bị thu hồi mã số; cơ sở đóng gói ngừng hoạt động và chuyển mục đích sử dụng hoặc cơ sở đóng gói gửi đề nghị về việc không tiếp tục sử dụng mã số đã được cấp.

6. Tình hình triển khai cấp mã số CSĐG 

6.1. Kết quả cấp mã số CSĐG 

           Theo Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV, tính đến hết tháng 4/2021, Cục BVTV đã cấp 1.826 mã số CSĐG cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Số lượng cơ sở xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc  là 1.776 (chiếm 97% mã số được câp) cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, chuối, mít, dưa hấu và măng cụt). Gần đây có thể 25 cơ sở được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng. Phần lớn các CSĐG xuất đi Trung Quốc mới ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, đóng gói theo mùa vụ. Số lượng số cơ sở đóng gói xuất đi các thị trường khác là hơn 50 mã số cho 6 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm và vú sữa). Các CSĐG này đều được nước nhập khẩu kiểm tra theo định kỳ 1 năm/lần (đối với thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc 3 năm/lần (đối với thị trường Úc, New Zealand). Hầu hết các cơ sở này đều nằm trong các khu xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ; có cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều.

Hiện tại Trung Quốc đang là thị trường được cấp nhiều MSVT nhất (1.703 mã) cho 9 loại trái cây (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) và thạch đen đã được xuất khẩu chính ngạch; tiếp theo là Hoa Kỳ với 575 MSVT cho 6 loại trái cây (thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, vũ sữa và xoài ) được phép xuất khẩu vào Mỹ. Đây cũng là thị trường có yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt nhất; tất cả các vùng trồng đều được cán bộ KDTV Hoa Kỳ trực tiếp kiểm tra hàng năm và Cơ quan KDTV Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã riêng (mã IRAD).

6.2. Một số vấn đề phát sinh    

- Năm 2020, Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 CSĐG do phát hiện vi phạm về KDTV và tình trạng mạo danh mã số vùng trồng và CSĐG. Năm 2018, Malaysia phát hiện 67 lô hàng ớt của Việt Nam có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép. Đến tháng 4/2021, phía Malaysia mới dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu, tuy nhiên chỉ chấp nhận ớt xuất khẩu từ vùng trồng và CSĐG đã được đăng ký tại Cục BVTV Việt Nam và phải được kiểm định dư lượng thuốc BVTV trước khi xuất khẩu.

- Theo phía Trung Quốc 19/44 CSĐG sầu riêng chưa được cấp mã số đợt 1 vừa qua là do trình độ quản lý của các cơ sở , một số nhà xưởng đã cũ, vệ sinh môi trường tổng thể kém, khu vực nhà máy gần với khu sinh hoạt. Một số nhà máy đóng gói không vệ sinh bụi và sinh vật gây hại khi cọ rửa bề mặt sầu riêng, việc giám sát dịch hại không được thực hiện; một số CSĐG còn lơ là phòng chống virus SARS-CoV-2 khi không có dụng cụ rửa tay...

 Một số tài liệu liên quan:

Chỉ thị 2425-2021 của BNN về mã số vùng trồng

TCCS 775-BVTV - Quy trình thiết lập - Giám sát cơ sở đóng gói

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 32
  • Lượt xem theo ngày: 1104
  • Tổng truy cập: 3826006