Chuyện làm giàu của nông dân xứ công tử Bạc Liêu

Chuyện làm giàu của nông dân xứ công tử Bạc Liêu
Với bản tính chịu thương chịu khó, cần cù lao động, sáng tạo của một nông dân thực thụ, ông Lâm Hồng Thái ở ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu – Bạc Liêu) đã áp dụng thành công mô hình đa cây, đa con khép kín trên diện tích 8ha. Ông luôn trăn trở làm sao từ số diện tích trên cộng với kiến thức học được và ít vốn xây dựng nên một trang trại VAC tổng hợp, quyết không để đất trống.

Với 6,6ha đất nuôi tôm, những năm gần đây, do tôm sú hay bị dịch bệnh, rủi ro xảy ra liên tục, ông mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và đã mang lại hiệu quả, năng suất đạt 5 tấn/ha, trừ chi phí còn lợi nhuận trên 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn chăn nuôi gà, vịt, ngỗng, trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái để cải thiện kinh tế, trừ chi phí lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn mở cửa hàng cung cấp thức ăn thủy sản cho bà con nông dân nuôi tôm trong vùng, xây dựng nhà nuôi chim yến, lợi nhuận đạt trên 150 triệu đồng/năm. Như vậy, tổng lợi nhuận đạt bình quân 1,2 tỷ đồng/năm, đời sống của gia đình ông ngày một khấm khá, có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới.


Ông Thái cho biết, một trong những bí quyết dẫn đến thành công là mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bởi theo ông “làm nông nghiệp thời buổi này mà không có kỹ thuật thì độ rủi ro, thất bại ngày càng lớn”. Vì vậy, ông Thái tham gia rất tích cực các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật do địa phương và các ngành chức năng tổ chức và rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. Đối với trồng màu, ông tìm hiểu sâu về các đối tượng và chọn đối tượng trồng sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương cũng như giá cả, thị hiếu của thị trường sao cho hiệu suất sử dụng đất cao. Đối với mô hình nuôi tôm, ông ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ quạt nước bằng hệ thống quạt nhóm nâng cao hiệu quả cũng như mạnh dạn chuyển đối tượng nuôi từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đối với chăn nuôi, chọn các giống gà, vịt, ngỗng, cá sấu đảm bảo chất lượng, tại các cơ sở có uy tín; đầu tư chuồng trại sao cho đạt tiêu chuẩn khuyến cáo của ngành chức năng, từ đó phòng tránh dịch bệnh hiệu quả, mang lại năng suất cao trong chăn nuôi.




Hiện, trang trại của gia đình ông Thái tạo việc làm ổn định cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3 – 4,5 triệu đồng/người/tháng, tùy theo công việc được phân công, từ đó góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, gia đình cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo của xã bằng nhiều hình thức như: tạo việc làm, hỗ trợ vốn, phương tiện phục vụ sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm ăn. Theo đó, ông Thái đã giúp đỡ 25 hộ nghèo, cận nghèo có phương hướng làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, gia đình ông còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương như hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới bằng cách đóng góp quỹ xây dựng cầu, đường nông thôn, quỹ an sinh xã hội với số tiền 20 triệu đồng/năm, tích cực tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa. Với những thành tích trong sản xuất, kinh doanh, ông Thái đã được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2006 – 2011; bằng tuyên dương của Chủ tịch UBND tỉnh tặng cá nhân có thành tích cao trong năm 2012.


Theo ông Thái, thuận lợi lớn nhất trong quá trình phát triển kinh tế trang trại là gia đình ông nhận được sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương để bà con nông dân phát huy hết khả năng để phát triển kinh tế; bản thân ông cũng luôn có khát khao vươn lên thoát nghèo, làm giàu, mạnh dạn, nhanh nhạy trong việc áp dụng những mô hình sản xuất mới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, trên gia súc gia cầm diễn biến phức tạp; giá cả đầu vào tăng cao trong khi giá đầu ra chưa ổn định, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Vì vậy, ông Thái kiến nghị, các cấp chính quyền, ngành chức năng dự báo tình hình thời tiết, dịch bệnh sao cho chính xác, kịp thời để nông dân có biện pháp phòng, chống sao cho hiệu quả; hỗ trợ, tìm kiếm đầu ra ổn định, đồng thời có chính sách bình ổn giá đầu vào, giúp nông dân làm ăn đạt lợi nhuận khá.


Trong thời gian tới, ông Thái dự kiến xây dựng hệ thống nuôi tôm khép kín, phương thức nuôi tôm sạch, bền vững, tiếp tục chuyển sang đối tượng nuôi tôm thẻ chân trắng; áp dụng trồng màu theo thời vụ và mở thêm dịch vụ cung cấp vật liệu xây dựng cho bà con trong vùng.

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập