Diễn đàn Khuyến nông @ “Giải pháp ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, phát triển mô hình kinh tế VAC bền vững

BBT: Trong 2 ngày 5-6/10 , tại Thành phố Bắc Giang, Hội Làm vườn Việt Nam, Trung tâm KN QG và Ủy ban ND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ " Giải pháp ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa gia trị và liên kết chuỗi để phát triển mô hình kinh tế VAC hiệu quả, bền vững". Diễn đàn có sự tham dự của các chuyên gia và gần 200 đại biểu là hội viên Hội Làm vườn Bắc Giang và 1 số tỉnh phía Bắc, cán bộ quản lý, kỹ thuật, khuyên nông của tỉnh Bắc Giang...

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp:

“Giải pháp ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, phát triển mô hình kinh tế VAC bền vững”

Phát biểu đề dẫn của TS. Phan Huy Thông- Phó Chủ tịch thường trực Hội Làm vườn Việt Nam 

 

Kinh tế vườn (KTV) hay kinh tế VAC (bao gồm cả Vườn - Ao - Chuồng) là một thành tố quan trọng của kinh tế hộ gia đình nông thôn và kinh tế nông nghiệp ở nước ta. Có thể nói, ngoại trừ các đại điền trang quy mô lớn của các công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nông nghiệp, còn lại các loại hình vườn hộ, trang trại, gia trại nhỏ và vừa của các hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX sản xuất rau, hoa, quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản... đều thuộc phạm vi kinh tế VAC. Theo thống kê sơ bộ năm 2021, kinh tế VAC chiếm trên 80% sản lượng rau, quả; trên 60% sản lượng thịt, trứng và khoảng trên 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản; đồng thời khu vực kinh tế VAC cũng chiếm 50 - 60% sản lượng xuất khẩu các sản phẩm rau, quả, thủy sản của nước ta; trên 70% các sản phẩm OCOP cũng xuất phát từ kinh tế VAC. Mặt khác, KTV cũng tạo điều kiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng đa giá trị, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ đào tạo, giải trí, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng giá trị, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân, cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái và góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.

z4759323090853_f82a386c89260f4dfa7c5f521171f5a4 (600 x 450)

Lãnh đạo Hội LVVN và Ủy ban ND tỉnh Bắc Giang chủ trì Diễn đàn

Để góp phần thúc đẩy “phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” như mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã xác định, tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, phát triển mô hình kinh tế VAC bền vững” hôm nay sẽ tập trung vào 3 nội dung quan trọng:

- Ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hũu cơ;

- Phát triển mô hình nông nghiệp đa mục tiêu (đa giá trị);

- Phát triển liên kêt chuỗi giá trị nông nghiệp. Ba nội dung này có quan hệ chặt chẽ, biện chứng và bổ trợ cho nhau và là hướng đi tất yếu để vừa nâng cao hiêu quả kinh tế, vừa đảm bảo phát triển bền vững.

1. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Ở Việt Nam, phương thức sản xuất tuần hoàn đã được nông dân thực hiện khá sớm cả trong nền nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp hiện nay. Nhiều mô hình sản xuất tuần hoàn đơn giản đã được ứng dụng trong nông nghiệp, đó là:

- Mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC)

Mô hình VAC đã được áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1980 và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Sau này, mô hình VAC đã được cải tiến phù hợp với trình độ phát triển của sản xuất nông nghiệp cũng như điều kiện sinh thái của từng vùng lãnh thổ trên cả nước, đó là: Vườn - Ao - Chuồng - Biogas (VACB); Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR) ở các tỉnh miền núi; Vườn - Ao - Hồ (VAH) ở các tỉnh miền Trung. Hiện nay, mô hình VAC đã phát triển rộng khắp trên cả nước với các hình thức đã được cải tiến cùng những ứng dụng linh hoạt trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh tại nhiều hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.

- Mô hình “lúa, tôm”; “lúa, cá”

Mô hình “lúa, tôm” được áp dụng từ đầu những năm 2000 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mô hình “lúa, cá” được thực hiện ở các tỉnh vùng trũng, hay ngập úng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mô hình “lúa, tôm”, “lúa, cá” được triển khai trong thực tiễn đã giúp giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, nhất là giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp từ 5-10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa. Đến nay, mô hình này đang được cải biến thành mô hình “lúa thơm - tôm sạch” và “lúa thơm - cá sạch”. Khi vùng nuôi tôm liên kết với nhà máy chế biến tôm đã tận dụng phụ, phế phẩm để sản xuất các chế phẩm dùng bảo quản rau quả, thịt; phụ gia dùng trong chế biến một số đồ uống, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường.

- Mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả. Mô hình này được phổ biến ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước, vừa tận dụng phụ phẩm trồng trọt để sản xuất thực phẩm chất lượng cao, an toàn, vừa tạo nguồn phân hữu cơ tái tạo độ phì đất, vừa hạn chế đốt rơm rạ, giảm thiểu phát thải, giảm khí nhà kính.

- Mô hình chăn nuôi gia súc kết hợp nuôi giun quế tận dụng phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi để nuôi giun quế; sử dụng thân giun làm thức ăn bổ sung cho gia súc, gia cầm; sử dụng phân giun bón cho cây trồng vừa nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế, vừa giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.

- Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer: trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón) của Tập đoàn Quế Lâm. Đây là mô hình nông nghiệp tuần hoàn kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại. Thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F vừa tăng hiệu quả kinh tế, phòng ngừa dịch bệnh, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.

- Mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa. Trong các trang trại bò sữa, Vinamilk thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín: từ làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò đến xử lý chất thải để tạo “vòng tuần hoàn xanh”. Nhờ công nghệ biogas, chất thải gia súc được xử lý để tiếp tục bón cho đồng cỏ, cải tạo đất và một phần khác được biến đổi thành khí metan dùng để đun nước nóng dùng cho hoạt động của trang trại. Việc tái tạo và tái sử dụng năng lượng vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Mô hình trồng chuối xuất khẩu - nuôi bò - sản xuất phân hữu cơ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hay của Công ty THHH Huy Long An sử dụng các sản phẩm chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu để chế biến thức ăn cho bò, sử dụng phân bò và thân chuối cộng với chế phẩm vi sinh để sản xuất phân hữu cơ bón lại cho chuối và cây ăn quả khác; vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa cải tạo đất và khắc phục ô nhiễm môi trường.

z4759323703895_2f24cab6b78cfa89cdbb3eb2b112df25 (600 x 450)

Có thể nói, các mô hình mô hình ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn rất đa dạng, sáng tạo nhưng đều dựa trên 3 công nghệ cốt lõi là: (i) công nghệ vi sinh (ii) công nghệ nuôi giun đất và (iii) công nghệ khí sinh học.

Về chủ trương, định hướng: Nghị quyết số 24/NQ-TW của BCH TW Đảng Khoá XII về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tà nguyên môi trường và Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trinh hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa mức phát thải ròng về 0% vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Biến đổi khí hậu (COP 26) đều nhấn mạnh việc thay đổi tư duy và hành động kể cả sản xuất và tiêu dùng sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường như: sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khai thác sử dụng các tài nguyên có thể tái tạo được, đẩy mạnh thu gom, tái chế, tái sử dụng các phế phụ phẩm, chất thải trong tất cả các lĩnh vực kinh tế để nâng cao hiêu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm. Đặc biệt gần đây tại Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để thúc đẩy áp dụng mô hình (KTTT) trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, đồng thời cũng có không ít khó khăn, thách thức để thực hiện mô hình này.

z4759324258205_e442119c65fda8cfae5659e6a5dd2106 (600 x 450)

Các chuyên gia trong Ban cố vấn của Diễn đàn

2. Phát triển nông nghiệp đa giá trị

Tuy khái niệm “nông nghiệp đa giá trị” mới được đề cập gần đây nhưng thực tế từ nhiều năm qua, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đa dạng, sáng tạo bước đầu phát huy hiệu quả như: mô hình kết hợp giữa sản xuất, chế biến, thương mại sản phẩm; mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái (du lịch miệt vườn, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch kết hợp lễ hội văn hoá truyền thống...), nông nghiệp kết hợp với giáo dục đào tạo, nông nghiệp kết hợp với y dược... Về chủ trương, định hướng: Nghị quyết 19/NQTW của BCH TW Đảng Khoá XIII về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nhấn mạnh quan điểm “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 225/QĐ-TTg 15/02/2021 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đến năm 2030; số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến 2030; Quyết định 922/QĐ-TTg ngày 22/8/2022 phê duyệt Chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Tại các văn bản này, Chính phủ đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng đa ngành, đa mục tiêu, gắn sản xuất với chế biến, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, gắn kinh tế nông nghiệp với các lĩnh vực kinh tế dịch vụ khác để nhằm khai thác tốt hơn lợi thế của từng vùng, miền, địa phương và bổ trợ cho nhau những hạn chế của từng ngành, từng địa phương, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, tăng thu nhập cho các bên liên quan.

z4759324983959_9898bbdf656fb0dd6e9662b49bb7ff44 (600 x 450)

3. Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết chuỗi trong nông nghiệp

Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết chuỗi trong nông nghiệp vừa là nhu cầu tự thân cấp thiết để phát huy động lực và nâng cao hiệu quả, tính bền vững của kinh tế hộ gia đình, khắc phục tình trạng manh mún, tự phát; đồng thời cũng là xu hướng phát triển tất yếu của sản xuất nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường đang hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế toàn cầu. Thực tế trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới những năm gần đây, vấn đề phát triển kinh tế hợp tác xã và liên kết chuỗi giá trị đã và đang được quan tâm và triển khai rất tích cực từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Ở các địa phương trong cả nước đều có rất nhiểu mô hình kinh tế hợp tác (THT, HTX, Liên hiệp HTX...) có quy mô, nội dung, phương thức hoạt động rất đa dạng, hiệu quả. Đồng thời bước đầu đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản rất phong phú, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu và điều kiện khác nhau của thực tiễn sản xuất. Về chủ trương, định hướng: Nghị quyết số 20/NQ-TW của BCH TW Đảng Khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển KTTT trong mối quan hệ chặt chẽ với các thành phần kinh tế khác theo hướng thực chất, hiệu quả và bền vững. Luật HTX mới được Quốc Hội thông qua tháng 6/2023 và Nghị quyết 106/NQ-CP ngày 16/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX Nông nghiệp trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... đã cụ thể hoá các chủ trương của Nghị quyết 20/NQ-TW thành các quy phạm pháp luật về nguyên tác, tính chất, nội dung hoạt động, quản lý, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách đối kinh tế tập thể nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng cũng như vấn đề liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Như vậy, cả 3 nội dung đề cập tại Diễn đàn hôm nay đều đã có đủ căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học và nhiều mô hình triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình này trong nông nghiệp nói chung và lĩnh vực kinh tế VAC hiện vẫn còn rất hạn chế, chưa có sự bứt phá mạnh mẽ.

Tại Diễn đàn này, Ban Tổ chức đề nghị các đại biểu tiếp tục tham luận, thảo luận, tư vấn cả về lý luận và thực tiễn liên quan đến các nội dung nêu trên. Bên cạnh việc phân tích, đánh giá chung về chủ trương định hướng và hiện trạng, cần tập trung thảo luận, chia sẻ các cơ chế chính sách đặc thù, cách thức triển khai cụ thể, khái quát kết quả, kinh nghiệm thực tiễn, nhận dạng các khó khăn, thách thức, hạn chế tồn tại trong quá trình triển khai; đề xuất, hiến kế các giải pháp cụ thể, khả thi để thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đa giá trị và hợp tác, liên kết chuỗi trong nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế VAC theo hướng thực chất, hiệu quả. Ban Tổ chức rất cảm ơn các tổ chức, cá nhân đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu, giảng dạy, khuyến nông ở Trung ương và địa phương, Hội Làm vườn các cấp, các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại tiêu biểu đã tích cực phối hợp, hợp tác chuẩn bị các báo cáo tham luận phục vụ nội dung của Diễn đàn. Toàn bộ các báo cáo tham luận và tài liệu liên quan đã được BTC tổng hợp, biên tập tại Ký yếu của Diễn đàn (cả bản cứng và file mềm) để quý đại biểu tham khảo. Do thời gian có hạn, Ban Tổ chức sẽ chỉ bố trí một số báo cáo đại diện trình bày tại Diễn đàn để dành thời gian thảo luận, trao đổi, tư vấn những vấn đề cụ thể liên quan đến chủ đề của Diễn đàn được nhiều đại biểu quan tâm.

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 24
  • Lượt xem theo ngày: 1014
  • Tổng truy cập: 2970263