Các giống chuối của Việt Nam
TS. Phạm Đồng Quảng - Hội Làm vườn Việt Nam ( tổng hợp)
Theo các nghiên cứu trên thế giới, các giống chuối hiện có đều có nguồn gốc từ 2 loài chuối dại có hạt thuộc chi Musa gồm Musa acuminate mang kiểu gen A và Musa balbisiana mang kiểu gen B. Quá trình giao phấn và chọn lọc tự nhiên qua rất nhiều thế hệ giữa 2 loài chuối dại này đã tạo nên 6 nhóm chuối ( loài phụ) với các tái tổ hợp gen khác nhau: AA, AAA, AAB, AB, ABB, ABBB, trong đó đa số các giống chuối thương mại có giá trị kinh tế cao hiện nay ( chuôi tiêu, chuối tây, chuối ngự, chuối cau) thuộc nhóm mang kiểu gen tam bội thể AAA, AAB, nên quả không có hạt.
Theo cố GS. Nguyễn Công Hâu, giống chuối ở Việt Nam khá đa dạng thuộc 4 nhóm ( loài phụ) sau: chuối tiêu (AAA), chuối tây, chuối sáp (AAB), chuối ngự, cau (AA) và chuối hột (BB). Trong mỗi nhóm lại có các giống khác nhau về các tính trạng hình thái ( cao, thấp…), hình dạng, mầu sắc vỏ quả, chất lượng quả…Trong bộ sưu tập nguồn gen chuối của Viện nghiên cứu rau quả, Trung tâm cây ăn quả - Viện KHNLN miền núi phía Bắc hiện lưu giữ hàng chục giống chuối khác nhau; đa số các mẫu giống là giống địa phương mang tên nơi được thu thập. Thực tiễn có nhiều giống chuối trong sản xuất, nhưng nhiều nới mang tên gọi dân dã, chưa có nghiên cứ phân biệt rạch ròi sự phân biệt giữa chúng. Gần đây có một số mẫu giống địa phương được Viện nghiên cứu rau quả tuyển chọn và được công nhận khuyến cáo ra sản xuất như giống chuối Tiêu hồng hay 1 số giống nhập nội được đặt tên như chuối tiêu GL3-5 và chuối tây GL3-2…Dưới đây là đặc điểm của các nhóm (loài phụ) và 1 số giống chuối phổ biến tại Việt Nam.
1. Nhóm chuối tiêu(Cavendish): Chuối tiêu rất phổ biến, được nhiều người ưa chuộng ở nước ta và trên thế giới. Nhóm này có các nhóm nhỏ khác nhau về chiều cao thân như tiêu lùn, tiêu vừa, tiêu cao hoặc khác nhau về dạng quả, về năng suất quả từ trung bình đến rất cao. Quả chuối tiêu có hình dáng cong như lưỡi liềm, chưa chín có màu xanh đậm, chín thì chuyển sang màu vàng, phần thịt vàng nõn, rất thơm và ngọt. Chuối tiêu thích hợp với vùng có khí hậu mùa đông lạnh, cho chất lượng tốt nhất. Quả chuối tiêu khi xanh, có thể cắt lát ăn kèm với các loại rau sống; nấu các món giấm chuối, cá kho chuối, lươn om chuối…; khi chín, có thể ăn trực tiếp, làm sinh tố chuối, kem chuối, bánh chuối, sữa chua dầm chuối…và rất nhiều món tráng miệng khác.
a) Giống chuối Tiêu hồng thuộc nhóm phụ chuối tiêu vừa, được Viện Nghiên cứu rau quả tuyển chọn từ giống chuối tiêu địa phương vùng Lý Nhân- Hà Nam,đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống chính thức năm 2014. Thân giả màu hồng đỏ, có những mảng đen nâu lớn liên tục. Lá đứng, đầu lá uốn cong, gân chính màu trắng sáng ở gốc có nhiều phấn trắng, đuôi gân lá ít phấnThân giả cao 2,2-2,6 m, đường kính 17,9-18,3 cm. Thời gian từ trồng đến thu hoạch 10-11 tháng. Buồng quả hình trụ có 9 nải, 168 quả. Khối lượng buồng 20,4 kg. Kích thước quả: dài 18,3 cm, đường kính 3,9 cm. Năng suất 45-50 tấn/ha. Chất lượng tốt. Chín vụ hè mã quả vàng đẹp, hương vị thơm ngon, thịt quả chắc và không chua như những giống chuối tiêu khác.
b) Giống chuối Laba
Chuối Laba (chuối tiến Vua, chuối Dạ Hương ) là một giống chuối đặc sản nổi tiếng của vùng đất Lâm Đồng. Trong lịch sử, chuối laba đã được dùng để tiến Vua Bảo Đại, triều đình và các quan chức người Pháp. Vì vậy, chuối Laba còn được gọi là chuối tiến Vua. Trước đây khi Pháp xâm chiếm xã Phú Sơn, tỉnh Lâm Đồng đã đặt tên cho vùng đất này là Laba. Vào năm 1930, sau quá trình nghiên cứu về thổ nhưỡng và khí hậu, người Pháp đã cho trồng giống chuối mới và cái tên chuối Laba ra đời từ đây. Chuối Laba phù hợp với vùng cao nguyên có khí hậu mát mẻ, 13-17 tháng sau trồng mới cho thu hoạch, trong khi chuối tiêu có tên gọi là chuối già trồng phổ biến ở Nam Bộ từ 8-10 tháng cho thu hoạch. So với chuối già, chuối Laba có buồng to hơn; các quả có cuống ngắn hơn, gần khít với nhau; quả dáng thon dài, hơi cong, cuống buồng nhỏ, trái úp vào buồng như mảnh trăng lưỡi liềm. Laba có lớp vỏ dày, khi còn non, vỏ chuối có màu xanh đậm và sẽ chuyển dần sang màu vàng óng khi chín. Chuối chín ăn thơm ngon, đặc biệt phần ruột chuối sánh dẻo và có vị ngọt đậm đà (độ ngọt: 24 – 26 brix), mùi thơm phảng phất đặc trưng, nên còn gọi là chuối Dạ Hương;
c) Giống chuối tiêu lùn GL3-1
- Nguồn gốc: Là giống được Viện nghiên cứu rau quả nhập nội, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cho sản xuất thử năm 2015.
- Đặc điểm: Thân giả màu vàng sáng, ít mảng nâu đen, cây sinh trưởng khỏe. Chiều cao thân giả thấp. Thời gian từ trồng đến trỗ buồng từ 200 - 225 ngày. Cho năng suất cao và chất lượng quả tốt. Khối lượng buồng 20,5 - 22,5 kg/buồng, số nải 8 - 9 nải/buồng, số quả 120 - 140 quả/buồng, khối lượng quả 150 - 155g, năng suất 40 - 45 tấn/ha. Thịt quả khi chín thơm hơn; chịu rét, hạn và nóng khá; ít sâu bệnh hại
d) Giống chuối tiêu GL3-5
- Nguồn gốc: Là giống chuối tiêu, được Viện nghiên cứu rau quả chọn tạo từ nguồn biến dị soma tạo ra trong nuôi cấy mô tế bào giống chuối Williams, dưới tác nhân chọn lọc, đặc biệt là lây bệnh nhân tạo nấm Fusarium oxysporum f. sp. Cubense (FOC) chủng 4 trong giai đoạn vườn ươm đã chọn lọc được giống chuối GL3-5. Giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cho sản xuất thử năm 2018.
- Đặc điểm: Thuộc nhóm tiêu xanh, chiều cao cây 2,4 - 2,5 m, 8 - 9 nải/buồng, quả dài 18 – 20 cm, khối lượng buồng 21 – 25 kg, tỉ lệ nhiễm bệnh héo vàng là 14,6% (có vùng <6%), dạng quả đẹp, và thời gian sinh trưởng 350 - 360 ngày. Tính chống chịu bệnh héo vàng khá, độ đồng đều cao và đạt năng suất trên 45 tấn/ha.
2. Nhóm chuối tây (chuối sứ, chuối xiêm) gồm nhiều giống chuối tây hồng, tây phấn, tây sứ… được trồng phổ biến ở nhiều nơi.
a) Các giống chuối tây địa phương: Thực tế, có nhiều giống chuối tây địa phương hoặc nhập nội từ lâu vào nước ta. Tuy nhiên chưa có một báo cáo đề cập đến bộ sưu tập, phân loại, làm rõ sự khác biệt và đặt tên cụ thể từng giống. Nhìn chung, chuôi tây cây cao, sinh trưởng khoẻ, không kén đất, chịu hạn nóng, song dễ bị héo rụi (vàng lá Panama) hơn so với chuối tiêu. Quả to, mập, rất dễ phân biệt với chuối tiêu bởi quả chuối có phần giữa to, hai đầu thon nhỏ, cuống dài và vỏ có ba gờ. Đa số, chuối khi chín có vỏ dày và màu vàng nhạt, ruột màu trắng. Chuối tây chắc thịt, khi ăn xen lẫn vị ngọt và chua nhẹ, có độ dẻo.
b) Giống chuối tây GL3-2
- Nguồn gốc: Là giống chuối tây do Viện Nghiên cứu rau quả tuyển chọn từ sản xuất, có nguồn gốc từ xã Quang khải, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cho sản xuất thử năm 2018.
- Đặc điểm: Giống chuối tây GL3-2 có thời gian từ trồng đến trỗ buồng từ 352 - 360 ngày, từ trồng đến thu hoạch từ 471 - 480 ngày. Thân giả cao, hơi mập có xanh vàng có mảng nâu đen nhỏ. Quả thẳng hơi cong màu sắc quả có màu ánh đồng, khối lượng buồng 17,8 - 23,9 kg/buồng, số nải 10,4 - 11,3 nải/buồng, số quả 166,4 - 189,8 quả/buồng, khối lượng quả 104,3 - 138,3 g, năng suất 37,0 - 38,8 tấn/ha. Giống chuối tây GL3-2 ít bị sâu bệnh hại, có khả năng chống chịu bệnh héo vàng FOC
3. Chuối ngự, chuối cau
a) Chuối ngự: Bao gồm nhiều giống khác nhau như chuối ngự tiến, chuối ngự mắn... Chuối cho quả nhỏ, màu vỏ sáng đẹp, thịt quả chắc, có mùi rất thơm, ngọt sắc cực kỳ ngon nên loại chuối này khi xưa còn được dùng để dâng cho vua thưởng thức nên mới được gọi là chuối ngự, tuy nhiên năng suất thấp. Một địa danh nổi tiếng trồng Chuối ngự là làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (xưa là phủ Lý Nhân). Năm 2012. Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố chuối Ngự Đại Hoàng nằm trong top 50 loại trái cây đặc sản Việt Nam. Năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng. Từ đó đến nay, chuối ngự Đại Hoàng được nhiều người tiêu dùng biết đến và có giá trị cao trên thị trường. Tuy nhiên, chuối ngự Đại Hoàng có ba loại ( giống) là chuối ngự trắng, chuối ngự trâu và chuối ngự mít. Chuối ngự trắng quả to, khi chín vỏ quả có màu vàng tươi, sáng bóng, quả hơi tròn lẳn, thịt quả vàng thơm nhẹp. Chuối ngự trâu quả to, vỏ quả khi chín có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng nhạt, không có hương thơm. Chuối ngự mít quả nhỏ, thon, khi chín vỏ quả mỏng và có màu vàng đậm, thịt quả vàng hơi hồng, hương thơm ngát.
b) Chuối cau: các giống chuối cau có quả nhỏ, hướng tròn, mập giống hình quả cau.
Chuối cau khi chưa chín nhìn rất giống chuối ngự, nhiều người không có kinh nghiệm chọn mua thường lầm tưởng đây là chuối ngự. So với chuối ngự, chuối cau có mật độ quả dầy hơn, vỏ mịn hơn, quả tròn hơn và thường không còn râu ở đầu quả. Chuối cau có vị thơm, ngọt dịu không ngọt sắc như chuối ngự.
4. Chuối hột: Chuối hột còn được gọi là chuối chát, có ruột trắng, nhiều hột, có vị chát nhiều hơn ngọt nên loại chuối này thường được làm rau ăn kèm với nhiều loại rau khác hay ngâm rượu. Diện tích trồng không nhiều.
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |