GIỐNG CÂY ĂN QUẢ Các giống Na ở Việt Nam

GIỐNG CÂY ĂN QUẢ - Các giống Na ở Việt Nam
BBT: Ở nước ta,  các giống na được phân thành hai nhóm là na dai và na bở, trong mỗi nhóm lại có nhiều giống khác nhau. Ngoài các giống na địa phương đã có ở nước ta từ lâu, gần đây một số giống na mới được nhập từ Thái Lan, Đài Loan có nhiều ưu điểm, cho triển vọng tốt trong sản xuất.

Các giống Na ở Việt Nam

TS. Phạm Đồng Quảng - Hội Làm vườn Việt Nam ( tổng hợp)

Cây Na, ở phía Nam còn gọi là mãng cầu/mãng cầu ta là một loài (Annona squamosa) thuộc chi Na (Annona) có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ nhiệt đới. Ở nước ta,  các giống na được phân thành hai nhóm là na dai và na bở, trong mỗi nhóm lại có nhiều giống khác nhau. Ngoài các giống na địa phương đã có ở nước ta từ lâu, gần đây một số giống na mới được nhập từ Thái Lan, Đài Loan có nhiều ưu điểm, cho triển vọng tốt trong sản xuất.

1. Cách phân biệt na dai - na bở

Để phân biệt được na dai hoặc na bở, có thể dựa trên những đặc điểm của mắt na, cuống na, múi na, vỏ na: Mắt na dai thường mỏng phẳng, khi bóc vỏ có thể dễ dàng bóc thành từng mảng. Nhưng na bở chỉ có thể bóc từng mắt chứ không thể bóc cả lớp được. Cuống na dai thường bám chắc vào quả rất khó tụt dù đã chín. Còn na bở thì phần cuống này tụt ra rất dễ dàng. Na dai múi nhỏ, nhiều hạt hơn và có vị ngọt sắc; khi chín, na dai có vỏ mềm, còn na bở có lớp vỏ cứng hơn. Múi na to, ít hạt, vị ngọt thanh thì là na bở. Na dai ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, múi na nhằn dễ tróc ra khỏi hột và múi cũng dai hơn hẳn na bở. Na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng, ít hạt, có mùi thơm và vị ngọt sắc hơn nhiều na bở.

2. Các giống na dai địa phương: Hiện có nhiều tên gọi khác nhau gắn với vùng trồng như Na dai Đồng Bành (Chi Lăng - Lạng Sơn), na dai Huyền Sơn (Bắc Giang) …, tuy nhiên giữa chúng có thật sự khác nhau không và khác nhau ở các đặc tính nào thì chưa có nghiên cứu cụ thể. Thực tế ở phía Bắc, giai đoạn đầu na dai được trồng nhiều ở vùng núi Chi Lăng - Lạng Sơn, hiện nay đã được mở rộng ở nhiều tỉnh thành khác như Bắc Giang, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Ninh…Theo kết quả nghiên cứu tại tỉnh Tây Ninh, trên 95% diện tích na ( gọi là mãng cầu ta để phân biệt với mãng cầu xiêm) trồng bằng giống na dai địa phương. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho mãng cầu ta (na) Bà Đen – Tây Ninh.

3. Các giống na bở địa phương: Tương tự na dai, các giống na bở địa phương cũng chưa được điều tra, thu thập, đánh giá, đặt tên phân biệt rõ ràng. Hiện trên thị trường có nhắc đến các tên gọi như Na bở Liên Khê ( Hải Phòng), Na bở Đông Triều ( Quảng Ninh)… Với đặc tính nứt khi chín, dễ dập nát, hỏng, khó vận chuyển, nên diện tích na bở không nhiều, tuy nhiên gần đây có nhiều người tiêu dùng lại thích sự khác biệt về mùi vị của na bở, nên 1 số nơi nông dân quay lại trồng các giống na bở địa phương.

 4. Giống na dai Thái Lan

Được du nhập vào nước ta từ những năm 2015, được trồng nhiều ở khu vực Nam Bộ, hiện nay đang được trồng ở phía Bắc ( Sơn La, Lạng Sơn…). Giống Na Thái Lan có khả năng sinh trưởng rất khỏe, cây cao, lá to, xum xuê. Trọng lượng trái to hơn nhiều so với các giống na địa phương, từ 0,5kg đến 1kg, thậm chí lơn hơn; mã quả rất đẹp.Thịt quả dầy, dai chắc, tỷ lệ hạt rất ít (chiếm khoảng 20% đến 30% hạt so với giống na dai Việt Nam). Có vị thơm, ngọt đậm. Một số địa phương ở Nam Bộ có tên gọi mãng cầu Hoàng hậu, na Nữ Hoàng, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đó cũng là giống na dai Thái Lan do người trồng tự đặt tên.

5. Giống na dai Đài Loan(na dứa Đài Loan, mãng cầu Đài Loan)

Đây là giống na mới ngoại nhập có nhiều ưu điểm như: quả to, thịt dai, hương vị thơm ngọt mềm rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc điểm nổi bật của na dai Đài Loan so với các giống na dai địa phương của Việt Nam: Na dai Đài Loan có kích thước rất lớn, trọng lượng to gấp 2-2,5 lần, đạt 0,7-1 kg/quả; mắt na rời nhau không sát như những quả na dai ta; trái dài chứ không tròn và ngắn như trái na ta; thịt na dai Đài Loan có màu trắng ngà, ăn dai và ngọt thanh chứ không gắt, ăn có cảm giác man mát ở đầu lưỡi; hương thơm nhẹ như mùi của dứa; thịt quả dính liền nhau không rời ; khi chín lớp vỏ giữ được màu xanh như ban đầu, hoặc hơi ngả vàng có thể bảo quản vận chuyển đi xa dễ dàng mà không bị dập nát; hạt rất ít chỉ bằng khoảng 20% so với na ta, hạt bé nên tỉ lệ thịt quả rất cao. Giống na này có nguồn gốc ôn đới nên thích hợp trồng ở các khu vực có độ cao từ 500m trở lên so với nước biển. Cây bắt đầu cho thu hoạch quả từ tháng 9, tức là muộn hơn so với na dai Việt Nam khoảng 1 tháng. Một năm na dai Đài Loan cho thu hoạch 2 vụ, một vụ từ tháng 9-10 âm lịch và một vụ còn lại là sau tết Nguyên Đán, từ tháng 2-4 âm lịch.

 

Gửi ý kiến của bạn


Tin mới hơn

Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập