MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN

 BBT: Nông nghiệp tuần hoàn(Circular agriculture) đang trở thành một chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam...

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp tuần hoàn

a) Kinh tế tuần hoàn

Trên Thế giới, khái niệm Kinh tế tuần hoàn (Circular economy) (KTTH) lần đầu tiên được sử dụng chính thức bởi Pearce và Turner năm 1990 trong cuốn sách “Kinh tế tài nguyên và môi trường”. Đây là một mô hình kinh tế dựa trên nguyên tắc cơ bản là “mọi thứ đều là đầu vào của một thứ khác”. Hiểu một cách đơn giản, KTTH nhằm mục đích biến chất thải đầu ra của ngành sản xuất này thành nguồn tài nguyên, đầu vào của ngành sản xuất khác.

Định nghĩa về KTTH được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “một hệ thống có tính khôi phụctái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm” khôi phục”, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó” (Ellen MacArthur Foundation, 2012).

 KTTH là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn của nền KTTH so với nền kinh tế truyền thống (còn gọi là kinh tế tuyến tính- liner economy) khi người sản xuất chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa năng suất, sản lượng, vứt bỏ sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải lớn gây ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt tài nguyên. Mô hình KTTH đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Rác thải, ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, nguyên liệu cạn kiệt, diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp và biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp Thế giới. Mặc dù vậy, theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), để nuôi sống số dân khoảng 9.5 tỷ người vào năm 2050, nông nghiệp Thế giới phải sản xuất nhiều hơn 70% lượng lương thực, thực phẩm so với hiện nay. Trước những vấn đề nêu trên, các quốc gia trên Thế giới đã lựa chọn mô hình phát triển nông nghiệp mới, đó là nông nghiệp tuần hoàn.       

b) Nông nghiệp tuần hoàn

Nông nghiệp tuần hoàn(Circular agriculture) (NNTH) là nền nông nghiệp áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn vào thực hành sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp. NNTH là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình NNTH tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải hoặc không có chất thải ra môi trường.

Mục tiêu của nông nghiệp tuần hoàn là:

+ Sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên;

+ Nâng cao hiệu quả sản xuất;

+ Giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

 NNTH đang trở thành một chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khối liên minh châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore...

Châu Âu, đặc biệt là Hà Lan là nơi hiện đang có các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn mạnh mẽ nhất. Bà Carola Schouten, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm của Hà Lan đã khẳng định “Nông nghiệp tuần hoàn là lời giải hợp lý và thuyết phục nhất cho các vấn đề hiện nay. Tương lai của nông nghiệp Thế giới sẽ là nông nghiệp tuần hoàn”.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp tuần hoàn, các lĩnh vực ưu tiên đã được xác định bao gồm:

(i) Sinh khối (Biomass) và các sản phẩm sinh học. Trong đó, sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp được coi là các lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy chuyển dịch toàn bộ nền kinh tế theo hướng phát thải các-bon thấp và thân thiện với khí hậu. Thu hồi và sử dụng các năng lượng sinh khối nói chung và biogas nói riêng là hướng ưu tiên của nông nghiệp tuần hoàn;

(ii) Thay đổi thói quen sử dụng phân bón theo hướng tăng cường phân bón hữu cơ được sản xuất từ chất thải hữu cơ trong quá trình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ thực phẩm ở nông thôn; Bảo vệ sức khỏe đất bằng việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ là vấn đề cơ bản trong nông nghiệp tuần hoàn.

(iii) Tuần hoàn nước và sử dụng hiệu quả nước vì nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế sử dụng nước nhiều nhất. Quản lý nước tốt và tuần hoàn nước là yêu cầu quan trọng để duy trì nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

(iv) Ngăn chặn chất thải thực phẩm (Food waste) thông qua việc tối ưu hóa các chuỗi cung ứng thực phẩm, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu theo dõi chất thải thực phẩm, tăng cường các mô hình chia sẻ, quyên góp thực phẩm…

2. Sự cần thiết chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cụm từ “Kinh tế tuần hoàn” lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế xã hội tại nước ta. Ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”

Mục tiêu cụ thể của Đề án là góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đồng thời, tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.

Theo Đề án, đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả. Tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Nhiều năm trở lại đây, nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Nông nghiệp cũng là một lĩnh vực được đánh giá có cơ hội lớn trong phát triển kinh tế tuần hoàn.

Theo Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam hướng tới nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam có thể phát triển NNTH trên cơ sở phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên phong phú.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết ở nước ta năm 2020 là khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%), 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Đây là nguồn tài nguyên lớn để phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, việc sử dụng không hợp lý nguồn phụ phẩm này đang gây lãng phí lớn và là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước).

- Trong lĩnh vực trồng trọt: Riêng phụ phẩm, theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, có thể lãng phí tới vài trăm nghìn tỷ đồng/năm. Chính vì vậy, ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Đây là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Trung bình, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 triệu tấn rơm, thì có khoảng 20 triệu tấn được đốt trên đồng ruộng gây ra tình trạng mất dinh dưỡng cho đất; tạo ra khí thải và ô nhiễm môi trường; mất đa dạng sinh học (các sinh vật sống trong đất như nấm, vi khuẩn và động vật có lợi). Nguyên nhân chính là thiếu giải pháp công nghệ và thị trường mua bán rơm chưa được hình thành, giá rơm hiện ở mức rất thấp. Sâu xa hơn là do doanh nghiệp, nông dân chưa bán được chứng chỉ các-bon và còn hạn chế kiến thức về kinh tế các-bon, nhất là từ sản xuất lúa.

- Trong lĩnh vực thủy sản, gần 1 triệu tấn phụ phẩm cũng chưa được xử lý, chế biến hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD vào năm 2020, trong khi đó, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm bằng công nghệ cao thì có thể thu về 4 tỷ đến 5 tỷ USD. Đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp, nhất là sản xuất nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi có tiềm năng lớn, đặt nền móng cho kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản.

- Với ngành lâm nghiệp, năm 2020, tổng phụ phẩm là 5,5 triệu tấn. Phụ phẩm từ lâm nghiệp cũng là nguồn lực lớn để thực hiện kinh tế tuần hoàn, thí dụ như thông qua làm viên nén sinh học cho lò sưởi và điện sinh khối. Theo thống kê, thị trường viên nén sinh học toàn cầu đạt giá trị 10,49 tỷ USD (năm 2019), dự báo đạt 23,6 tỷ USD vào năm 2025, riêng khu vực Liên minh châu Âu tiêu thụ 50% nhu cầu viên nén sinh học toàn cầu, tương ứng 30 triệu tấn (năm 2019), phần lớn cho nhu cầu lò sưởi và phát điện.

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập

  • Trực tuyến: 45
  • Lượt xem theo ngày: 780
  • Tổng truy cập: 2970029