Quy định về ATTP của EU và việc 4 loại rau gia vị từ Việt Nam
được ra khỏi danh mục kiểm soát chặt
(Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU)
1. Quy định về an toàn thực phẩm của EU
Châu Âu là thị trường rất khắt khe về an toàn thực phẩm, liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRLs) thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hàm lượng chất gây ô nhiễm ( kim loại nặng - cadmium, chì, thủy ngân, thiếc và một số vi sinh vật gây hại có trong và trên thực phẩm.
- Về mức dư lượng tối đa (MRLs) thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): Để tránh rủi ro về sức khỏe và môi trường, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Hướng dẫn 79/117/EEC dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong trong các sản phẩm thực phẩm với ngưỡng giới hạn rất thấp và gần như bằng 0. Lô hàng có chất vượt ngưỡng sẽ bị từ chối nhập khẩu và phải tiêu huỷ, đồng thời nhà cung cấp có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào EU. Ngoài ra, người mua ở một số quốc gia như Vương quốc Anh, Đức, Hà Lan và Áo...còn sử dụng các MRL chặt chẽ hơn các MRL được quy định trong luật pháp châu Âu, trong đó các chuỗi siêu thị là nghiêm ngặt nhất , yêu cầu mức tối đa không quá 33% đến 70% MRL theo luật. Ngày càng có nhiều người mua yêu cầu thông tin trước về các chương trình và hồ sơ phun thuốc BVTV.
- Về hàm lượng chất gây ô nhiễm: Chất gây ô nhiễm là những chất không được thêm vào thực phẩm một cách có chủ ý, nhưng có thể xuất hiện do các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển hoặc lưu kho. Tương tự như MRLs cho thuốc BVTV, Liên minh châu Âu đã đặt ra giới hạn cho một số chất gây ô nhiễm (Phụ lục Quy định (EC) 1881/2006 (maximum contaminant levels in the Annex of Regulation (EC) 1881/2006) về các giới hạn đối với nitrat (trong rau chân vịt và rau diếp) và các kim loại nặng như cadmium, chì, thủy ngân và thiếc vô cơ, có liên quan đến trái cây và rau quả tươi. Đối với hầu hết các loại trái cây hoặc rau quả tươi, giới hạn ô nhiễm chì là 0,10 mg / kg và đối với cadmium 0,050 mg /kg.
- Về vi sinh vật gây hại: Quy định châu Âu (EC) số 2073/2005 quy định về phương pháp thử nghiệm, kế hoạch lấy mẫu và mức giới hạn một số vi sinh vật gây hại trên trái cây, rau quả cắt sẵn, nước trái cây chưa được tiệt trùng, rau mầm..., đặc biệt là salmonella và E. coli.
- Các lô hàng được kiểm tra trước khi chúng được gửi đến nhà bán lẻ. Quản lý thuốc trừ sâu đòi hỏi trách nhiệm rất nhiều từ phía bạn với tư cách là nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu. Định kỳ 6 tháng một lần, Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu (EC) họp để xem xét, đánh giá mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của các quốc gia xuất khẩu vào EU đối với từng mặt hàng. Sau đó, EU sẽ thông báo những thay đổi trong quy định về các biện pháp kiểm soát.
2. 4 loại rau gia vị của Việt Nam được EU đưa khỏi danh mục kiểm soát chặt về an toàn thực phẩm
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 27/1/2023, Ủy ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/1/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp về an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023 đối một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Theo đó, đối với Việt Nam, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát chặt ở mức 50% trước đây như: Rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Hiện tại chỉ còn ớt nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất lấy mẫu kiểm chất lượng, an toàn thực phẩm là 50% số lô hàng. Bên cạnh đó, đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50% số lô hàng. Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam sang EU, là thanh long và mì tôm, vẫn nằm trong phụ lục II, với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20% số lô hàng.
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |