Phần II
Thuận lợi, khó khăn và giải pháp chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam
Thuận lợi: Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Nông nghiệp nước ta đã trải qua một thời gian dài sản xuất quảng canh, tự cung tự cấp, dựa vào thiên nhiên là chính nên người nông dân biết tận dụng những gì có sẵn ngoài tự nhiên để phục vụ cho nông nghiệp.
Nước ta nằm trong khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể được thực hiện khá nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng.
Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Việt Nam còn nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên cao, dồi dào. Nước ta có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hoá chất rất phù hợp cho nuôi ong, chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ.
Hiện nay công nghệ sinh học được ứng dụng rỗng rãi trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước nông nghiệp và nhiều chế chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc có thể thay thế thuốc hoá học trong bảo vệ thực vật.
Nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp cũng là một lợi thế lớn trong sản xuất NNHC ở nước ta do sản xuất theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động thủ công.
Nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm ngày càng cao. Hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của các nước. Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp thu kinh nghiệm của các nước trong phát triển NNHC thông qua sự giúp đỡ của IFOAM và nhiều tổ chức Quốc tế khác.
Khó khăn:
Bên cạnh những thuận lợi có được thì cũng không ít khó khăn và thách thức được đặt ra đối với NNHC ở Việt Nam.
Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, đặc biệt ở nước ta khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại.
Với những vùng thâm canh cao, trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu, năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh do áp lực sâu bệnh còn cao, cân bằng sinh thái bị phá vỡ trước đây cần thời gian để thiết lập lại.
Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ.
Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ NNHC thường cao gấp 2-4 lần bình thường, ngoài ra trong nhiều trường hợp sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt ( ví dụ vẫn có một số đốm bệnh, vết sâu ăn…).
Phần lớn các hộ nông dân Việt Nam sản xuất với quy mô hộ gia đình, nhỏ, manh mún nên khó trong việc gom diện tích để lập đội, nhóm sản xuất hữu cơ. Nhận thức của người sản xuất về NNHC còn hạn chế, động lực quan trọng nhất là kinh tế, vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC là một thách thức lớn.
Đời sống người tiêu dùng Việt Nam còn thấp và nhận thức về NNHC chưa cao, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, do vậy việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Chính sách, pháp luật để thúc đẩy, hỗ trợ NNHC phát triển ở nước ta còn thiếu. Đặc biệt, hiện nay ở nước ta vẫn chưa có chiến lược rõ ràng về phát triển NNHC, chưa có tổ chức nào được cấp phép là tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ, kể cả việc áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS mặc dù được IFOAM công nhận nhưng cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận chính thức để áp dụng.
Để thúc đẩy phát triển NNHC cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, ở nước ta, chính sách, pháp luật liên quan đến NNHC còn thiếu và đây là nút thắt chính cần tháo gỡ để mở đường cho sự phát triển của NNHC trong những năm tới.
2. Thực trạng về chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam
Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và khuyến khích phát triển một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường theo hướng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản, trong đó có NNHC. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu các chính sách cụ thể và chiến lược quốc gia để thực sự thúc đẩy sản xuất NNHC phát triển. Gần đây, các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ, Hội Nông dân Việt Nam và nhiều địa phương đã dành nhiều sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ cho NNHC.
Cuối năm 2011, Chính phủ cho phép thành lập Hiệp hội NNHC Việt Nam. Hiệp hội đã tổ chức Đại hội lần thứ I và đi vào hoạt động từ năm 2012. Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 01/2012/QDTTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó có NNHC. Năm 2013, Bộ NN & PTNT đã phê duyệt Chương trình khung nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2013-2020, trong đó có nội dung về NNHC, đặc biệt trong sản xuất rau, quả. Những năm gần đây, nhiều hội thảo, diễn đàn nông nghiệp hữu cơ đã được các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, các doanh nghiệp và các địa phương tổ chức. Trên các phương tiện truyền thông, NNHC luôn là chủ đề sôi nổi được cộng đồng quan tâm. Nhiều trang trại, doanh nghiệp mới khởi nghiệp đã lựa chọn hướng sản xuất NNHC. Nhiều nhà khoa học và các nhà quản lý nông nghiệp của Việt Nam đều tin tưởng NNHC là một hướng đi nhiều tiềm năng, lợi thế góp phần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta. Tại các diễn đàn về NNHC, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và Hiệp hội hữu cơ Việt Nam đều đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách và pháp luật về NNHC.
Năm 2015, Bộ Khoa học công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Về cơ bản, Tiêu chuẩn này đã cập nhật được thông tin và hài hoà với các tiêu chuẩn của quốc tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiêu chuẩn khung cần phải được cụ thể hoá. Ví dụ, trong danh mục các chất được sử dụng trong sản xuất hữu cơ có nhiều chất được nêu ra với điều kiện “ phải được các tổ chức chứng nhận hoặc cơ quan có thẩm quyền thừa nhận” nhưng cho đến nay chưa có cơ quan có thẩm quyền nào quy định cụ thể những chất này. Tiêu chuẩn cũng chưa quy định cụ thể tem (logo) được gắn trên bao gói của thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ Việt Nam như thế nào để người tiêu dùng dễ nhận biết. Do vậy, nếu không có những văn bản pháp quy hướng dẫn việc chỉ định các tổ chức chứng nhận và điều kiện, quy trình chứng nhận phù hợp với Tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 thì Tiêu chuẩn này cũng chỉ là tài liệu tham khảo và hầu như chưa đi vào cuộc sống. Trong khi đó, trên thị trường nội địa đang xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng, các sản phẩm được gắn mác “hữu cơ” mà không được pháp luật thừa nhận, gây bức xúc và làm mất lòng tin đối với người tiêu dùng.
Như vậy, việc IFOAM xếp Việt Nam vào danh sách các nước đã có tiêu chuẩn sản xuất NNHC nhưng lại chưa có quy định pháp luật về NNHC là hoàn toàn có cơ sở...còn tiếp phần 3
Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam |
Hoạt động có hiệu quả |
Hoạt động không hiệu quả |
Không có ý kiến |