XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI BẰNG CÔNG NGHỆ KHÍ SINH HỌC

XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI BẰNG CÔNG NGHỆ KHÍ SINH HỌC
BBT:Các chất hữu cơ (phân động vật, xác động vật và thưc vật) thường bị thối rữa (phân hủy) thành các chất khác dưới tác động của rất nhiều vi sinh vật, chủ yếu là vi khuẩn. Việc xử lý chất thải băng công nghệ sinh học mang lại nhiều lợi ích. Sau đây xin giới thiệu bài viết của TS Phùng Quốc Quảng -HLV VN về vấn đề trên.

1. Khái niệm:

Các chất hữu cơ (phân động vật, xác động vật và thưc vật) thường bị thối rữa (phân hủy) thành các chất khác dưới tác động của rất nhiều vi sinh vật, chủ yếu là vi khuẩn. Quá trình phân hủy xảy ra trong môi trường có oxy được gọi là quá trình phân hủy hiếu khí mà sản phẩm chủ yếu là khí cácbonic (CO2). Quá trình phân hủy xảy ra trong môi trường không có oxy được gọi là quá trình phân hủy kỵ khí (hoặc yếm khí) và sản phẩm thu được là một hỗn hợp khí, gọi là khí sinh học (biogas) bao gồm chủ yếu là khí metan (CH4), chiếm 40-70%, ngoài ra còn một số loại khí khác như khí cacbonic (C02: 30-60%), Hydro sulfua (H2S: 1-3%), Hydro (H2: 0,1-3%), Nitơ (N2: 0,1-3%), Oxy (O2: 0,1-3%) (theo số liệu của Cục Chăn nuôi – 2010)    

2. Những lợi ích của công nghệ khí sinh học:

a). Lợi ích về sử dụng khí:

Khí sinh học có thành phần chủ yếu là khí metan. Khí mê tan cháy được nên KSH là chất khí cháy được. Nhiệt trị của KSH là 4.700-6.500 kcal/m3. Khi cháy cho ngọn lửa lơ nhạt và không có khói bụi

Khí sinh học có thể sử dụng để đun nấu. Về nhiệt lượng hữu ích, 01m3 KSH (chứa 60% metan) có thể thay thế cho 0,76 lít dầu; 5,2kwh điện; 4,8kg củi, 8,6kg rơm rạ. Từ 10kg phân lợn mỗi ngày có thể sản xuất ra lượng khí 400-500lít, đủ đun nấu cho gia đình 3-4 người.

KSH cũng có thể được sử dụng với đèn mạng để thắp sáng, độ sáng đạt tương đương đèn sợi tóc 60W. Hoặc để chạy các động cơ đốt trong, phục vụ việc bơm nước, chạy máy xay sát, máy phát điện. Nhiệt sinh ra từ KSH có thể sử dụng để sấy chè, ấp trứng gia cầm, sưởi ấm cho gà con ….

b). Lợi ích về sử dụng bã thải:

* Đối với trồng trọt

Bã thải KSH bón cho lúa hoặc phun lên lá lúa làm tăng năng suất và hiệu quả hơn dùng phân urê. Khi bón phân KSH nhiều sẽ có tác dụng cải tạo đất rõ rệt, độ mùn của đất cao hơn, đất tơi xốp hơn.

Ngoài ra, phân KSH có tác dụng ức chế một số vi khuẩn gây bệnh khô vằn, bệnh đốm nâu, sâu đục thân, bọ rầy xanh, sâu cuốn lá … ở cây lúa; bệnh thối mềm ở củ khoai lang. Như vậy, sử dụng phân KSH giảm được thuốc trừu sâu, thuốc diệt cỏ, góp phần bảo vệ môi trường.

Đối với chăn nuôi

Khi áp dụng công nghệ KSH, chuồng trại sạch sẽ, gia súc, gia cầm

chóng lớn, ít bệnh tật, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi

            Bã thải KSH có thể sử dụng làm thức ăn cho lợn và gia cầm (bổ xung với tỷ lệ 15-25% khẩu phần), vật nuôi ăn ngủ tốt hơn, long da mượt hơn và tăng trọng cao hơn (11-16%) so với không bổ xung bã thải.

            Ngoài ra, bã thải KSH còn được đưa vào ao nuôi trồng thủy sản, kích thích sự phát triển của tảo và các động vật phù du, là nguồn thức ăn cho cá hoặc sử dụng để nuôi giun đất, trồng nấm, xử lý hạt giống ….

c) Lợi ích về vệ sinh môi trường:

            - Cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn, không còn mùi hôi thối, hạn chế ruồi nhặng

            - Xử lý chất thải công nông nghiệp (nước thải của các lò mổ, nhà máy rượu bia, đường, giấy, da, đồ hộp …) và nước thải, chất thải sinh hoạt tại các thành phố bằng công nghệ KSH khắc phục được tình trạng phải đầu tư lớn, chiếm nhiều diện tích đất, tiêu thụ nhiều năng lượng của công nghệ xử lý hiếu khí đồng thời thu hồi được nguồn năng lương phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

            - Giảm phát thải khí nhà kính:

            Trong điều kiện tự nhiên các chất thải hữu cơ bị phân hủy, trong đó một phần bị phân hủy kỵ khí, sinh ra khí mêtan phát tán vào khí quyển. Khí mêtan là khí gây hiệu ứng KNK lớn hơn khí cacbonic (01 tấn khí mêtan gây hiệu ứng KNK tương đương 21 tấn khí cacbonic). Nhưng nếu các chất thải hữu cơ được phân hủy kỵ khí trong các thiết bị KSH thì khí mêtan được thu lại làm nhiên liệu. Khi bị đốt cháy, mêtan chuyển hóa ra khí cacbonic (01 tấn khí mêtan cháy sản ra 2,5 tấn khí cacbonic). Như vậy, tác dụng về hiệu ứng KNK sẽ giảm đi 21/2,5 = 8,4 lần.

            Ngoài ra, việc sử dụng KSH thay thế than, dầu góp phần giảm phát thải KNK do đốt than, dầu

            - Góp phần bảo vệ rừng nhờ sử dụng KSH thay thế củi, gỗ làm chất đốt.

d). Lợi ích về xã hội:

            - Giải phóng phụ nữ, trẻ em khỏi công việc bếp núc nóng nực, khói bụi; tiết kiệm thời gian kiếm chất đốt

            - Sử dụng KSH trong đun nấu, thắp sáng … làm cho cuộc sống nông thôn văn minh, tiện nghi hơn. Rút ngắn sự chệnh lệch giữa nông thôn và thành thị.

3. Các nguyên liệu sử dụng để sản xuất khí sinh học

            Nói chung, các chất hữu cơ có nguồn gốc sinh học đều có thể làm nguyên liệu để sản xuất KSH. Các nguyên liệu này có thể được chia thành 02 nhóm: nhóm nguyên liệu có nguồn gốc động vật và nhóm nguyên liệu có nguồn gốc thực vật.

- Nguyên liệu có nguồn gốc động vật:

Bao gồm các loại phân (phân gia súc, gia cầm, phân bắc …), các bộ phận cơ thể của động vật như xác động vật chết, rác và nước thải các lò mổ, cơ sở chế biến thủy, hải sản …

Thời gian phân hủy của các loại phân không dài (khoảng 2-3 tháng) và tổng lượng khí thu được từ 01 kg phân cũng không lớn. Phân trâu, bò, lợn phân hủy nhanh hơn phân gia cầm và phân bắc và lượng khí thu được cũng thấp hơn.

Nhìn chung, hàm lượng chất khô của các loại phân tươi vào khoảng 20%. Các loại phân thường giầu nitơ, hiệu xuất sinh khí của các loại phân tính theo vật chất khô nằm trong khoảng 0,2-0,3 m3/kg/ngày và hàm lượng mêtan của KSH sản xuất từ phân chiếm khoảng 50-70%

- Nguyên liệu có nguồn gốc thực vật:

Đó là những lá cây và cây thân thảo như các phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, thân lá cây ngô, khoai, đậu…), rác sinh hoạt hữu cơ (rau, quả, lương thực bỏ đi …) và các loại cây xanh hoang dại (rong, bèo, các cây phân xanh ….).

Gỗ và thân cây già thường khó phân hủy nên không dùng làm nguyên liệu sản xuất KSH được. Nguyên liệu thực vật thường có lớp vỏ cứng, khó phân hủy. Vì vậy, để cho quá trình phân hủy kỵ khí thuận lợi người ta thường chặt cắt nhỏ, xử lý sơ bộ (đập dập, ủ hiếu khí) trước khi đưa vào thiết bị khí sinh học. Việc làm này giúp phá vỡ lớp vỏ cứng của nguyên liệu và tăng bề mặt cho vi khuẩn tấn công.

Thời gian phân hủy của các nguyên liệu thực vật thường kéo dài hơn các loại phân, thậm chí kéo dài hàng năm. Do vậy các nguyên liệu này nên được sử dụng theo cách nạp từng mẻ, mỗi mẻ kéo dài 3-6 tháng

 

Bảng 1 – Đặc tính và sản lượng KSH của một số nguyên liệu

thường gặp ( Theo Cục Chăn nuôi - 2011)

 

Loại nguyên liệu

Lượng thải hàng ngày (kg/đầu ĐV)

Hàm lượng chất khô (%)

Tỷ lệ cacbon/nitơ (C/N)

Hiệu suất

sinh khí (lít/kg/ngày)

PHÂN

15-20

18-20

24-25

15-32

Trâu

18-25

16-18

24-25

15-32

Lợn

1,2-4,0

24-33

12-13

40-60

Gia cầm

0,02-0,05

25-50

5-15

50-60

Người

0,18-0,34

20-34

2,9-10

60-70

THỰC VẬT

Bèo tây tươi

 

4-6

12-25

0,3-0,5

Rơm, rạ khô

 

80-85

48-117

1,5-2,0

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản sinh khí sinh học

            - Môi trường kỵ khí:

            Quá trình lên men tạo khí sinh học có sự tham gia của nhiều vi khuẩn, trong đó quan trọng nhất là các vi khuẩn sinh khí mêtan. Chúng là những vi khuẩn kỵ khí bắt buộc. Sự có mặt của oxy sẽ kìm hãm hoặc tiêu diệt các vi khuẩn này. Vì vậy, phải đảm bảo điều kiện kỵ khí tuyệt đối của môi trường lên men. Sự có mặt của oxy hòa tan trong dịch lên men là một yếu tố không có lợi.

Nhiệt độ:

Hoạt động của vi khuẩn sinh khí mêtan chịu ảnh hưởng rất lớn của nhiệt độ. Nhiệt độ lý tưởng là khoảng 350C. Sản lượng khí giảm rõ rệt khi nhiệt độ môi trường giảm. Khi nhiệt độ dưới 100C, quá trình lên men ngừng hẳn

Sự thăng giáng nhiệt độ quá nhiều trong ngày cũng ảnh hưởng đến các vi khuẩn sinh mêtan, làm gảim sản lượng khí.

Độ pH:

Độ pH tối ưu với hoạt động của vi khuẩn là 6,8-7,5 (tương ứng với môi trường hơi kiềm). Có thể biến động trong khoảng 6,2 tới 8,5. Vượt ra ngoài giới hạn này quá trinh phan giải kỵ khí dừng lại

Đặc tính của nguyên liệu:

+ Hàm lượng chất khô:

Quá trình phân giải kỵ khí phụ thuộc vào hàm lượng chất khô và quá trình này xảy ra thuận lợi nhất khi hàm lượng chất khô 5-10%

+ Tỷ lệ cácbon và nitơ của nguyên liệu:

Vi khuẩn cần cả C và N để sinh trưởng. Tỷ lệ C/N của nguyên liệu vào khoảng 8-30 là tối ưu đối với hoạt động của vi khuẩn. Tỷ lệ này quá cao hoặc quá thấp đều làm quá trình phân giải xảy ra chậm hoặc thậm chí đình trệ

+ Thời gian lưu:

            Đó là thời gian nguyên liệu được lưu giữ trong thiết bị.

Cách tính:

            (T) -Thời gian lưu = (Vd) -Thể tích phân giải của thiết bị/(L) -Lượng nạp hàng ngày (cả nguyên liệu và nước pha loãng).

            Thời gian lưu đối với phân thường là 30-50 ngày, đối với nguyên liệu thực vật là 100 ngày

+ Các độc tố:

            Các chất kháng sinh, chất sát trùng vệ sinh chuồng trại, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, nước xà phòng …. đều có thể ức chế hoạt động các vị khuẩn, tham chí ngừng hẳn.

      quang 1

  5. Cấu tạo, phân loại và các loại thiết bị KSH hiện có ở Việt Nam

a)- Cấu tạo chung của thiết bị KSH

Thiết bị KSH quy mô hộ gia đình là những thiết bị đơn giản, hoạt động theo chế độ nạp liên tục, gồm 6 bộ phận chính:

Bể nạp: Là nơi để nạp nguyên liệu

Ống lối vào: Có nhiệm vụ dẫn nguyên liệu vào bể phân giải. Ống thẳng, có dạng hình trụ, được chế tạo bằng bêton hoặc nhựa cứng, đường kính trong ≥ 150mm

Bể phân giải: Là bộ phận chính, quan trọng nhất; là nơi chứa dịch phân giải và sản sinh KSH.

Ống lối ra: Có cấu tạo và chất liẹu như ống lối vào tuy nhiên đường kinh có thể bằng hoặc nhỏ hơn

Bể điều áp: Có dạng hình bán cầu, có chức năng điều hòa áp suất khí trong bể phân giải, ngoài ra bể này còn có chức năng chứa dịch sau phân giải và làmột van an toàn bảo vệ bể phân giải

Ống thu khí: Được chế tạo bằng thép hoặc nhựa cứng, một đầu được nối với đường ống dẫn khí, đầu kia gắn xuyên qua nắp bể phân giải để thu và vận chuyển khi ra khỏi bể phân giải

Tuổi thọ trung bình của thiết bị KSH là 10-15 năm. Riêng đối với loại làm bằng nilông có tuổi thọ trung bình 03 năm.

 b)- Phân loại và các loại thiết bị KSH hiện có tại Việt Nam

Hiện nay có nhiều loại thiết bị KSH và được phân loại theo các căn cứ khác nhau. Thiết bị KSH được dùng phổ biến là loại nạp nguyên liệu liên tục hàng ngày và cách phân loại chúng dựa vào cách thu tích khí. Đây cũng là cách phân loại được công nhận rộng rãi.

Theo cách phân loại này, các thiết bị KSH được xếp thành 3 loại, mỗi loại lại được chia thành nhiều loại khỏ như sơ đồ dưới đây:

1)- Kiểu thiết bị nắp cố định KT1 và KT2:

            Đây là hai kiểu công trình KSH vòm cầu nắp cố định được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào thiết kễ mẫu của Tiêu chuẩn Ngành. KT1 áp dụng cho vùng có nền đất vững, mực nước ngầm thấp, diện tích xây dựng hạn chế. KT2 áp dụng cho vùng đất yếu, mực nước ngầm cao và mặt bằng xây dựng tương đối rộng.

            Ưu điểm của kiểu KT1 và KT2 là giá thành hạ, độ bền cao, dễ vận hành, ít tốn diện tích mặt bằng do thiết bị được xây ngầm dưới đất. Thiết bị cũng hạn chế sự hình thành váng do bề mặt dịch phân giải phía trong luôn lên xuống, liên tục thu lại và mở rộng ra.

            KT1 và KT2 có 128 kích cỡ khác nhau và người sử dụng có nhiều cơ hội lựa chọn, tùy thuộc và điều kiện khí hậu, số lượng và loại nguyên liệu nạp, nhu cầu sử dụng khí…

            Tuy nhiên, người thợ xây các kiểu KT1 và KT2 phải được đào tạo cẩn thận, quá trình xây trát phải chú ý để tránh thất thoát khí và tuổi thọ công trình.

 

                quang 3quang 4

           quang 5

    

                        

                    

 

2)- Kiểu thiết bị bằng composit:

            Thiết bị này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ưu điểm chính của kiểu này là chất lượng cao, lắp đặt nhanh, không phải xây dựng. Nhược điểm: khi cần quy mô lớn phải lắp đặt nhiều bể, tốn diện tích mặt bằng và giá thành cao.  

 

 quang 6       quang 7

                  

           

3)- Kiểu HDPE:

            HDPE (high density polyethylene) là nhựa gồm 97,5% PE, 2,5% than hoạt tính và một số hoạt chất khác, tạo ra các đặc tính quý của vật liệu: mềm nhưng bền cơ học, chịu được các hóa chất, tia cực tím và phù hợp với điều kiện phơi nắng, không dẫn điện

Màng HDPE được thi công theo phương pháp hàn nhiệt mối hàn kép hoặc hàn đùn. Sản phẩm có tuổi thọ lâu dài (hàng chục năm thậm chí hàng trăm năm), giá thành thấp và dễ thi công.

Đối với công trình KSH, màng HDPE được sử dụng theo hai cách:

Bể phân hủy phía dưới xây theo cách truyền thống (gạch, cát, ximăng) nhưng phần trên dùng tấm HDPE

 

                              quang 8

           

4)- Kiểu ống đúc bêtông:

            Đây là kiểu có nắp cố định dạng óng tiền chế bằng bêtông hoặc composit với thể tích phân giải từ 4m3 đến vài trăm m3

            Ưu điểm: Không cần xây dựng, dễ lắp đặt, lắp đặt nhanh. Dạng ống có hiệu suất cao hơn các dạng khác, dễ giữ kín khí

            Nhược điểm: giá thành cao, chi phí lớn

 

            5)- Kiểu VACVINA:

            Với kiểu này (còn gọi là kiểu VACVINA cải tiến) bể phân giải có hình dạng khác nhau (khối hộp chữ nhật, hình trụ, hoặc hình dạng bất kỳ) nhờ một hệ thống siphon đầu vào. Khí gas sinh ra được lưu trữ nhờ hệ thống túi bên ngoài bể.

            Ưu điểm: Kỹ thuật xây dựng đơn giản, quen thuộc, đầu tư ban đầu thấp

Nhược điểm: Áp suất khí thấp, khó dẫn đi xa. Các góc cạnh là nơi chịu áp lực lớn nên hay bị nứt. Đây cũng là vùng tĩnh, ít hoạt động nên thể tích hoạt động thực tế của bể nhỏ hơn tổng thế tích của nó.

quang 9

6)- Kiểu túi chất dẻo:

            Kiểu này được phát triển lần đầu tiên tại Đài Loan (năm 2014). Có thể được coi là biến thể của kiểu nắp cố định. Bể phân giải là một túi bằng chất dẻo hoặc cao su. Phần dưới là bể phân giải và phần trên là nơi chứa khí, áp suất khí tạo ra nhờ vật nặng đặt lên phía trên túi, do vậy không cần bể điều áp.

            Ưu điểm: Có thể sản xuất hàng loạt nên dễ tiêu chuẩn hóa. Giá thành hạ nên đầu tư ban đầu thấp. Kỹ thuật lắp đặt đơn giản, nhanh chóng.

            Nhược điểm: Tốn diện tích mặt bằng. Tuổi thọ ngắn, dễ hư hỏng (chuột cắn …). Độ an toàn thấp (nguy cơ nổ, hỏa hoạn, ngạt ….). Khó lấy bỏ váng và lắng cặn. Hoạt động kém hiệu quả trong mùa đông. Áp suất khí thấp nên khó dẫn đi xa, hiệu suất sử dụng thấp.

quang 10

 6. Cách vận hành công trình khí sinh học:

            Khi vận hành công trình KSH cần thực hiện các bước sau:

1)- Chuẩn bị nguyên liệu nạp:

            Nguyên liệu nạp có thể là chất thải động vật hoặc nguyên liệu thực vật. Lượng chất thải cần nạp là 330-500kg/m3­ thể tích phân giải.

            Đối với chất thải động vật, lưu ý chỉ dùng chất thải của những con khỏe mạnh, không dùng chất thải của những con bị ốm và tiêm kháng sinh. Đối với các nguyên liệu thực vật, cần có bước sơ chế trước khi nạp vào bể: cắt bỏ rễ, đập dập nát hoặc băm nhỏ thành những mẩu dài 1-3cm, sau đó xếp thành đống gồm nhiều lớp, mỗi lớp dày khoảng 50cm; rắc lên mỗi lớp một ít phân chuồng. Hàng ngày tưới nước để giữ ẩm. Thời gian ủ đống nguyên liệu thực vật là 10-15 ngày (mùa hè) và 30 ngày (mùa đông)

2)- Pha loãng và hòa trộn nguyên liệu:

            Pha loãng sẽ tạo điều kiện cho quá trình phân giải diễn ra thuận lợi. Đối với chất thải động vật (phân + nước tiểu), tỷ lệ pha loãng là 1-2 lít nước/kg chất thải (hoặc 3-4 lít nước/kg phân nguyên) tùy thuộc vào nguyên liệu đặc hay loãng

            Đối với nguyên liệu thực vật tươi (bèo, các cây cỏ) tỷ lệ pha loãng là 04-0,6 lít nước/kg thực vật tươi. Nước pha loãng là nước ngọt, không được quá kiềm hoặc quá axít. Nước ao, hồ tự nhiên tốt hơn nước náy.

3)- Nạp nguyên liệu:

            Có thể nạp nguyên liệu vào qua cả lối vào lẫn lối ra và cửa thăm. Việc nạp càng nhanh càng tốt. Khi nạp nếu nắp đã đậy kín thì cần mở hết các van khí để không khí trong công trình thoát ra ngoài, không tạo áp suất quá lớn làm nứt công trình. Nạp nguyên liệu thực vật vào trước rồi đổ dịch chất thải động vật vào sau.

4)- Theo dõi chất lượng khí sinh học và sử dụng khí:

            Sau khi nạp xong, đậy nắp công trình và đóng khóa khí lại để tạo môi trường kỵ khí (không có oxy) cho quá trình phân giải. Ban đầu thành phần mêtan thấp nên khí chưa cháy được và có mùi rất khó chịu. Cần xả hết khí tạp vài ba lần. Sau đó châm lửa thử ở bếp. Nếu khí bắt cháy là có thể sử dụng được. Ngọn lửa khí sinh học có mầu xanh da trời, khó nhìn thấy. Do vậy nên che ánh sáng để dễ quan sát ngọn lửa khi đốt thử. Khi còn nhiều khí tạp ngọn lửa yếu, chập chờn, dễ bay khỏi mặt bếp. Nên đặt nồi lên mặt bếp khi thử để hạn chế ngọn lửa bay khỏi bếp.

5)- Vận hành công trình khí sinh học hàng ngày:

            Cần nạp nguyên liệu hàng ngày cho công trình KSH để đảm bảo luôn có đủ khí dùng. Lượng nạp phải tuân thủ thiết kế. Khi nạp nguyên liệu cần chú ý không cho vào bể cát, sỏi, đá, cành cây, củi, gỗ, các loại hóa chất, dầu mỡ, chất thải động vật có tiêm kháng sinh. Hàng ngày cần khuấy đảo dịch phân giải để tăng sản lượng khí và hạn chế đóng váng. Nếu váng quá dày, cần định kỳ phá váng.

6)- Theo dõi sản lượng khí:

            Nếu công trình hoạt động bình thường thì sản lượng khí phỉa ổn định. Khi sản lượng khí giảm bất thường là đã có trục trặc hoặc hư hỏng của công trình. Cần phát hiện nguyên nhân và khắc phục kịp thời.

 

  1. Những trục trặc thường gặp và vấn đề an toàn khí sinh học:

a)- Những trục trặc thường gặp và cách xử lý:

- Công trình KSH mới xây không sinh khí hoặc khí sinh ra không cháy:

+ Không sinh khí:

Nguyên nhân

Cách khắc phục

(1). Nguyên liệu bị nhiễm độc tố

Kiểm tra lại chất lượng nguyên liệu, thảo bỏ nguyên liệu cũ, nạp lại nguyên liệu chất lượng tốt

(2). Nước pha không ddảm bảo chất lượng

Kiểm tra lại chất lượng tốt: độ pH, nguồn nhiễm độc tố, thay nước chất lượng tốt

(3). Thời tiết quá lạnh

Ủ ấm cho thiết bị. Đợi thời tiết ấm lại

(4). Có chỗ rò rỉ khí

Kiểm tra lại các chỗ có khả năng rò rỉ

 

+ Khí không cháy (trong trường hợp này khí có mùi hôi khó chịu)

Nguyên nhân

Cách khắc phục

(1). Nguyên liệu bị nhiễm độc tố

Kiểm tra lại chất lượng nguyên liệu, thảo bỏ nguyên liệu cũ, nạp lại nguyên liệu chất lượng tốt

(2). Nước pha không đảm bảo chất lượng

Kiểm tra lại chất lượng tốt: độ pH, nguồn nhiễm độc tố, thay nước chất lượng tốt

(3). Nạp bổ xung quá nhiều nguyên liệu thực vật một lúc. Môi trường quá axít

Đợi thời gian cho vi khuẩn mêtan phát triển trở lại. Dùng nước vôi trung hòa môi trường phân giải

 

Công trình KSH đang hoạt động ổn định ngừng sinh khí:

Nguyên nhân

Cách khắc phục

(1). Nguyên liệu bị nhiễm độc tố

Kiểm tra lại chất lượng nguyên liệu, thảo bỏ nguyên liệu cũ, nạp lại nguyên liệu chất lượng tốt

(2). Thời tiết quá lạnh

Ủ ấm chho thiết bị. Đợi thời tiết ấm lại

(3). Có chỗ rò rỉ khí

Kiểm tra những chỗ có khả năng rò rỉ và khắc phục

(4). Nạp bổ xung quá nhiều nguyên liệu thực vật một lúc. Môi trường quá axít

Đợi thời gian cho vi khuẩn mêtan phát triển trở lại. Dùng nước vôi trung hòa môi trường phân giải

 

- Khí sinh học không tới được nơi sử dụng:

Nguyên nhân

Cách khắc phục

(1). Áp suất khí quá yếu

Tăng áp suất khí

(2). Đường ống quá nhỏ và dài, nhiều chỗ gãy khúc

Thay đường ống to và thẳng hơn. Giảm chiều dài đường ống. Tăng áp suất khí

(3). Đường ống bị tắc

Kiểm tra nguyên nhân tắc và khắc phục: có nước đọng, ống bị gấp khúc

 

b)- Vấn đề an toàn khí sinh học:

            Khí sinh học nói chung không đọc nhưng không duy trì sự sống. Trong thành phần KSH, mêtan chiếm tỷ lệ lớn. Mêtan có thể chiếm chỗ của oxy, đặc biệt là ở những khoảng không gian kín. Khi hàm lượng oxy giảm tới dưới 19,5% sẽ gây ngạt. Ngoài ra, trong thành phần KSH có sulphua hydro (H2S) có mùi trứng thối. Nếu hàm lượng khí này cao thì KSH cũng độc hại, gây choáng váng và đau đầu. Do vậy, cần lưu ý đến vấn đề an toàn khí sinh học:

(1). Người vận hành công trình KSH, đặc biệt là trẻ em, phải được hướng dẫn kỹ càng và hiểu biết về nguy cơ khi sử dụng KSH.

(2). Bể phân giải và bể điều áp phải có nắp đậy kín để tránh trường hợp người, đặc biệt là trẻ em và súc vật rơi vào bể. Những bộ phận như đường ống hoặc dụng cụ sử dụng phải được lắp đặt sao cho người và động vật không va vào hay làm hỏng.

(3). Những nơi lắp đặt và sử dụng các dụng cụ sử dụng KSH phải được thông thoáng. Thường xuyên kiểm tra đường ống và các khớp nối để đảm bảo hệ thống kín, không bị hư hỏng.

(4). Khi mới nạp nguyên liệu vào cômg trình KSH cũng là thời điểm nguy hiểm cho người vì lúc này người dân thường mở nắp bể phân giải và kiểm tra xem bể đã đầy chưa. Tuyệt đối không ngó vào bể hay khuấy đảo bể khi trong bể đã có nguyên liệu

(5). Không được hút thuốc hay bật lửa khi ở bên cạnh công trình KSH, nhất là khi có sự rò rỉ khí.

(6). Khi tiến hành nạo vét hoặc lấy váng, bã cặn từ bể phân giải cần tiến hành theo các bước sau: (i) – Tháo và nhấc nắp ra khỏi bể; (ii)- Đợi cho KSH thoát ra hết. Có thể dùng quạt để đẩy KSH ra. Kiểm tra lại sự an toàn bằng cách thả một con vật (gà, vịt …) vào trong bể trong khoảng 5-10 phút, nếu con vật còn sống thì người có thể xuổng; (iii)- Người xuống bể làm việc phải dây an toàn và phải bố trí người cảnh giới phía trên.

 

  1. Những vấn đề đặt ra đối với công trình KSH

- Việc phân hủy không triệt để, gây mùi hôi và ô nhiễm nguồn nước.

 - Việc tăng quy mô đàn trong quá trình chăn nuôi gặp khó khăn do thiết kế dung tích hầm khí sinh học thường chỉ phù hợp với quy mô ban đầu vì vậy gây ra hiện tượng thừa chất thải hoặc chất thải không kịp tiêu hủy, xử lý.

- Tiêu hao quá nhiều nước và tốn công tắm cho lợn trong chăn nuôi có sử dụng hầm khí sinh học cũng là một vấn đề. Trong chăn nuôi lợn, để rửa chuồng và dồn phân vào hầm biogas người ta phải dùng tới 150 lít nước cho một con lợn mỗi ngày hay tới 18 tấn nước cho một đời lợn.

- Các vi khuẩn gây bệnh chưa được khống chế hiệu quả, gây nguy cơ cao về bệnh truyền nhiễm cho con người và vật nuôi. Với thời tiết ẩm ướt, nước dễ lưu lại trong chuồng, càng làm cho độ ẩm của chuồng tăng cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc độc hại sinh sôi nẩy nở.

- Nuôi lợn có sử dụng hầm biogas, nền chuồng phải là nền cứng bằng gạch hay bê tông. Lợn đứng trên nền cứng và ẩm ướt có tác động rất xấu đối với xương chi và móng, nhất là đối với lợn nái sinh sản. Hội chứng “yếu chân” (osteochondrosis) là thuật ngữ thường gắn với hệ thống chăn nuôi trên nền cứng và phổ biến ngay cả trong hệ thống chăn nuôi hiện đại.

Sức nặng của cơ thể đè lên xương chi, làm giảm lượng cung cấp oxy cho mô sụn, gây tổn hại cho sinh trưởng của sụn, sụn bị thay bằng các mô xơ, xương bị cong vênh. Lợn con 2 tháng tuổi, sụn đã bị tổn thương, bị nứt rạn, tăng trưởng bị giảm.

Lợn nái chân yếu, các khớp bị viêm, đầu gối thường cong vào phía trong, chân trước có thể bị vẹo, lợn ít đứng và ngồi như tư thế của chó, lợn nái nuôi con di chuyển khó khăn dễ đè chết con, sức sinh sản bị giảm. Trong các trại lợn giống, kể cả những trại giống tiên tiến vẫn có tới 20 - 30% lợn đực và nái bị loại bỏ do chân yếu hay biến dạng./.

TS. Phùng Quốc Quảng-HLV VN sưu tầm và tổng hợp

 

Gửi ý kiến của bạn


Liên kết website

Video Clip

Thông tin tiện ích

CÔNG TY TNHH NÔNG NGHIỆP XANH VIỆT NAM Công ty phượng hoàng

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam
Hoạt động có hiệu quả
Hoạt động không hiệu quả
Không có ý kiến
 
Danh bạ điện thoại Hỏi đáp Văn bản Liên hệ

FaceBook

Thống kê truy cập